Hoàn thiện hạ tầng cung cấp nước sạch, điện, hạ tầng thủy lợi và giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 

07/06/2024 - 10:38

BDK.VN - Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng cung cấp nước sạch, điện, hạ tầng thủy lợi và hạ tầng giao thông. Đây là điều kện quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cải thiện đời sống nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát nhà máy nước xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Trần Quốc

Giao thông kết nối, lan tỏa

Hiện tỉnh có 4 tuyến quốc lộ (QL) gồm: QL.57, QL.57B, QL.57C  và  QL.60, tổng chiều dài 273,505km. 5 tuyến đường tỉnh, tổng chiều dài 124,77km, nhựa hóa đạt 77%, (đang thi công đoạn dài 27,66km). 43 tuyến đường huyện dài 422,27km, nhựa hóa, bê-tông hóa đạt trên 95%. Đường giao thông nông thôn (gồm: đường xã, ấp, ngõ xóm) dài 4.211km, trong đó đường xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định của Bộ Giao thông vận tải đạt 2.098km (100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã). Đường đô thị 390km. Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có những bước phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng vận tải đường bộ ngày càng được nâng cao, khẳng định thực hiện mục tiêu giao thông vận tải đi trước một bước trong tiến trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết nối hệ thống giao thông của địa phương với hệ thống giao thông quốc gia và khu vực lân cận thông qua các tuyến quốc lộ hiện hữu như: QL.60, QL.57, QL.57B, QL.57C.

Tỉnh đã hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm như: Dự án nâng cấp QL.57 đoạn từ Bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày. Nâng cấp ĐT.883 giai đoạn 2 (nay là QL.57B) đoạn từ đường vào cầu Rạch Miễu đến Khu công nghiệp (KCN) Giao Long. Dự án ĐH.173 đoạn từ Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Châu Thành đến tượng đài Tiểu đoàn 516 (ĐT.883). Giai đoạn 1 - Dự án xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú (ĐT.881). Dự án xây dựng đường Đê Tây, huyện Bình Đại; cầu Rạch Vong.

Hiện tỉnh đang triển khai các công trình, dự án như: Dự án cầu Rạch Miễu 2. Dự án đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2. Đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn liên huyện Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú (dự án ĐH.17). Giai đoạn 2 - Dự án xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú. Tuyến tránh thị trấn Phước Mỹ Trung (huyện Mỏ Cày  Bắc).  Đường  từ Cảng Giao  Long  đến  Khu  công  nghiệp  Phú  Thuận (ĐT.DK.07).

Ngoài ra, tỉnh đang phối hợp, thực hiện thủ tục đầu tư các công trình, dự án: Dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh (Dự án cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển dự kiến khởi công trong cuối quý II-2024). Đường Bắc Nam phục vụ KCN Phú Thuận và Cụm công nghiệp (CCN) Phong Nẫm (ĐT.DK.08). Cầu Ba Lai 6 (ĐT.DK.08). Dự án xây dựng cầu Đình Khao kết nối tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre.

Giao thông đường thủy gồm: 6 tuyến nội địa do Trung ương quản lý đi qua địa bàn tỉnh, chiều dài 312km. 190 tuyến nội địa do địa phương quản lý, chiều dài 909,25km. Hệ thống giao thông thủy hỗ trợ đắc lực cho giao thông đường bộ trong việc vận chuyển hàng hóa trong tỉnh và trong vùng. Cảng biển, gồm: Bến cảng Tân cảng Giao Long, với diện tích 3,6ha, vị trí tại tả ngạn bờ sông Tiền, đoạn xã Giao Long, huyện Châu Thành. Hiện cảng có thể tiếp nhận được tàu 3.000DWT. Tuy nhiên, hoạt động của bến Cảng hiện nay chủ yếu tiếp nhận phương tiện đường thủy nội địa vận chuyển hàng hóa kết nối với các cảng biển khu vực Đông Nam Bộ. Cảng thủy nội địa có 1 cảng: Cảng C.P số 1 Khu công nghiệp An Hiệp. Bến thủy nội địa, có 306 bến, 61 bến khách ngang sông và 16 bến phà phục vụ xếp dỡ hàng hóa, vận chuyển hành khách, du lịch.

Thời gian qua, hạ tầng nông nghiệp được ưu tiên đầu tư, nhất là hệ thống thủy lợi, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, cung cấp nước sinh hoạt. Nhiều công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao năng lực và chủ động nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất. Hiện trên địa bàn tỉnh, có 15 hệ thống thủy lợi, 1.695 công trình cống (3 cống lớn), 1 trạm bơm điện với lưu lượng 4.000m3/h; 1.592 tuyến kênh các loại, với tổng chiều dài 2.575km; 141 tuyến bờ bao, với tổng chiều dài 433,3km; 1 hồ chứa nước ngọt (huyện Ba Tri), với dung tích 811.800m3; 83km đê biển, 172km đê sông, đê bao 90,33km, kè bảo vệ đê 13,4km. Tỉnh đã được đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre; công trình cống đập Ba Lai; hồ chứa nước Kênh Lấp, huyện Ba Tri; nhiều tuyến đê sông, đê bao cục bộ, đê bao các cồn,... Các công trình được đầu tư đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng nguồn điện

Giai đoạn 2019 - 2023, ngành điện đã đầu tư 771,66 tỷ đồng để thực hiện các công trình cải tạo và phát triển lưới điện 220kV, 110kV, lưới trung và hạ thế trên địa bàn tỉnh. Đối với lưới điện 110kV, đã hoàn thành và đưa vào vận hành 5 công  trình  110kV, góp phần nâng cao chất lượng nguồn điện cung cấp, giảm thiểu sự cố lưới điện, đáp ứng kịp thời nhu cầu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hiện tại, ngành điện đang tiếp tục triển khai thực hiện công trình lưới điện như: Đường dây mạch kép 110kV từ Trạm 110kV  Giao  Long - Phú Thuận. Đường dây mạch kép 110kV  và Trạm 110kV Phú Thuận - Bình Đại. Đường dây mạch kép 110kV mạch kép Bình Thạnh (huyện Thạnh Phú) - Ba Tri. Trạm biến áp 110kV An Hiệp và Đường dây mạch kép 110kV Bến Tre - An Hiệp. Trạm biến áp 110kV Thanh Tân và đường dây đấu nối. Tổng kinh phí khoảng 670,485 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn tỉnh tăng từ 99,92% (năm 2019) lên 99,97% (năm 2023).

Trên địa bàn tỉnh được phê duyệt 19 dự án điện gió (19 nhà máy). Tỉnh đã cấp chủ trương thực hiện, với tổng công suất 1.007,7MW. Trong đó, có 10/19 dự án đang triển khai các thủ tục pháp lý, 9/19 dự án đã triển khai lắp đặt hoàn thành các tua bin, với công suất khoảng 365,9MW. Lũy kế tổng công suất đóng điện hòa lưới đến nay 250,75/365,9MW. Ngoài ra, tỉnh đã được phê duyệt 2 trạm 220kV và 3 dự án đường dây 220kV, đảm bảo giải tỏa công suất các dự án điện gió đã được phê duyệt và trình bổ sung quy hoạch đối với dự án Nhà máy điện khí LNG Bến Tre; trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thực hiện dự án “Khu tổ hợp hydro xanh Bến Tre” làm dự án thí điểm cho ngành công nghiệp sản xuất hydro xanh tại Việt Nam.

Tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cấp nước và huy động được nguồn lực đầu tư trong và ngoài ngân sách. Qua đó, cơ bản hình thành hệ thống các nhà máy nước. Hệ thống phân phối khá đồng đều đến các trung tâm xã, các điểm dân cư tập trung. Các nhà máy nước nông thôn đang hoạt động tương đối tốt, từng lúc mở rộng công suất và mạng tuyến ống cung cấp, chú trọng đến khu vực các xã có tỷ lệ sử dụng nước sạch thấp, xã nông thôn mới, góp phần tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. 

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 67 nhà máy nước, với tổng công suất ước gần 10.500 m³/giờ, tương đương 250 ngàn m³/ngày đêm. Trong đó, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre quản lý 5 nhà máy cấp nước, tổng công suất 67.300m³/ngày đêm; Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre quản lý 32 nhà máy, tổng công suất khoảng 62 ngàn m³/ngày đêm; các nhà cung cấp tư nhân quản lý 30 công trình, tổng công suất khai thác khoảng 96 ngàn m³/ngày đêm. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 99,9% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 82,7% (bao gồm tỷ lệ hộ dân thành thị sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung đạt 93%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 79,2%).

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN