Học sinh - sinh viên Bến Tre đã cống hiến gì cho quê hương?

08/01/2010 - 09:31
Ảnh: A.N

Trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc xây dựng quê hương, không ít học sinh - sinh viên (HSSV) Bến Tre đã sống và cống hiến bằng cả nhiệt huyết tuổi trẻ. Họ đã làm gì và làm như thế nào?

Đặng Quốc Tuấn - người học sinh 17 tuổi đã ném lựu đạn ám sát Tỉnh trưởng Kiến Hòa (nay là tỉnh Bến Tre) vào ngày 26-10-1961 làm nên một sự kiện chính trị trọng đại

Quê quán ở ấp 4, xã Phong Nẫm, Giồng Trôm, Đặng Quốc Tuấn (nguyên Giám đốc Đài PTTH Bến Tre) được gia đình đưa đi học tại Trường Công lập Kiến Hòa (nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu), được kết nạp Đoàn năm 1961 và gia nhập Đội Biệt động Thị xã. Cũng trong năm này, ông Đặng Quốc Tuấn - khi ấy là một học sinh 17 tuổi, cùng một bạn học đã dũng cảm ném 2 quả lựu đạn ám sát Tỉnh trưởng Kiến Hòa Phạm Ngọc Thảo và cố vấn người Mỹ trong cuộc mit-tinh được chúng tổ chức tại quảng trường An Hội (gần tượng đài Chim hòa bình, bùng binh thành phố Bến Tre ngày nay). Mặc dù hai quả lựu đạn không nổ nhưng hành động quả cảm của cậu học trò 17 tuổi ấy đã làm rúng động cả tỉnh Kiến Hòa và chế độ Ngô Đình Diệm, là sự kiện được đông đảo giới HSSV rất quan tâm, ủng hộ, tạo nên tiếng vang trong phong trào HSSV lúc bấy giờ. Tuấn bị địch bắt, kết án khổ sai hơn 14 năm ở Côn Đảo. Ở nơi giam cầm khét tiếng dã man ấy, với chuồng cọp, dùi cui... Tuấn vẫn không khai về tổ chức cách mạng.

“Biết rằng khi tham gia cách mạng có thể bị bắt, bị tù đày nhưng điều đó không làm chúng tôi nao núng - mặc dù khi ấy chỉ là học sinh; chúng tôi vẫn luôn tin tưởng vào sự thành công của cách mạng và sẵn sàng hy sinh vì cách mạng”- ông Đặng Quốc Tuấn bồi hồi kể.

Nguyễn Thị Diễm-một nữ HSSV vượt nghèo khó trong hành trình trau dồi tri thức, đạt hàng trăm giải thưởng và trở thành cán bộ Đoàn năng nổ

Sinh ngày 15-1-1981 tại xã Tân Hội (Mỏ Cày Nam), Nguyễn Thị Diễm (hiện là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn Bến Tre) đã trải qua một hành trình đầy thử thách, vượt cảnh nghèo khó để được đến lớp. Cả một thời áo trắng của mình, đôi tay cô học trò Nguyễn Thị Diễm đã làm không biết bao nhiêu việc nhọc nhằn, từ mót lúa, bắt ốc, hái rau đến phụ quán nước, quán ăn… Không có mẹ kề bên trong một khoảng thời gian dài (vì mẹ đi làm ăn xa), Diễm đã tự sắp xếp mọi việc cho mình, dành dụm tiền mua xe đạp để đi học, trang trải mọi chi phí học tập bằng chính sức lao động của mình. Tấm gương vượt khó của chị lúc ấy đã làm nhiều người cảm phục, yêu mến và tình nguyện giúp đỡ chị. Điều đáng nói, cả 12 năm học phổ thông, chị đạt loại giỏi, đạt rất nhiều giải thưởng trong tham gia phong trào cấp trường, cấp huyện và cả cấp tỉnh. Tốt nghiệp phổ thông, không có tiền thi đại học, cũng chẳng có tiền để luyện thi, Diễm đã lặn lội lên TP.Hồ Chí Minh tìm việc, vừa làm vừa tự luyện thi và một năm sau đó chị đã đỗ vào Trường đại học Cần Thơ và thủ khoa Cao đẳng Sư phạm ngành văn của Bến Tre. Diễm đã phải chọn Trường Cao đẳng để học vì hoàn cảnh kinh tế, sau 3 năm miệt mài, chị tốt nghiệp loại giỏi. Bên cạnh việc học, Diễm còn là một cán bộ Đoàn năng nổ của trường, tham gia rất nhiều hoạt động và được nhận giải thưởng Sao Tháng Giêng. Về công tác tại Tỉnh đoàn, với vai trò Trưởng Ban Thanh thiếu nhi trường học, Phó Chủ tịch Hội đồng đội tỉnh và hiện nay là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn, Diễm  được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh 5 năm liền, nhận rất nhiều bằng khen của UBND tỉnh và Trung ương Đoàn. Chị nói: “Dù ở bất kỳ vị trí nào, tôi cũng  phấn đấu hết mình, tôi muốn được đem tri thức và nhiệt huyết của mình để cống hiến nhiều hơn nữa cho công tác Đoàn tỉnh Bến Tre”.

Lê Văn Đạo - cậu học trò từng đoạt huy chương bạc Olympic môn Lý khu vực miền Nam, mang ước mơ trở thành nhà nghiên cứu khoa học phục vụ quê hương Bến Tre

Khôi ngô, vui tính, cậu học trò lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Bến Tre - Lê Văn Đạo đã sử dụng thời gian tuổi học trò một cách hiệu quả và hữu ích. Cậu đã 11 năm đạt học sinh giỏi, từng đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ cấp tỉnh và rất nhiều giải thưởng có giá trị: học sinh giỏi nhất khối ở các lớp cấp II; Giải III Tin học trẻ không chuyên cấp tỉnh; giải nhất học sinh giỏi Lý vòng tỉnh; 3 huy chương bạc học sinh giỏi Lý khu vực ĐBSCL; huy chương bạc Olympic 30-4 môn Lý khu vực miền Nam… Sinh ra trong gia đình nhà giáo ở ấp Tân Thuận Trong, xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc), Đạo đã không phụ lòng gia đình bằng những nỗ lực học tập không ngừng. Bên cạnh việc học thật tốt, cậu còn là một Bí thư Đoàn trường rất năng nổ, tích cực trong các hoạt động. Đạo bày tỏ ước mơ của mình: “Em sẽ phấn đấu vào và học tốt ở Trường Đại học Bách khoa, trở thành kỹ sư, nghiên cứu, có nhiều công trình khoa học giúp ích cho công tác giảng dạy trong trường học cũng như trong đời sống, phục vụ cho quê hương Bến Tre”.

Có thể nói, rất nhiều HS-SV Bến Tre của nhiều thế hệ đã và đang từng ngày dốc sức, dốc lòng cống hiến tài năng và sức trẻ trên nhiều mặt trận, góp phần xây dựng quê hương xứ dừa ngày thêm phồn thịnh.

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN