Hội đồng Bảo an họp bàn về cuộc xung đột ở vùng Tigray của Ethiopia

24/11/2020 - 18:45

Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh phe đối lập ở vùng Tigray tuyên bố "sẵn sàng chết" để bảo vệ vùng đất của họ, đồng thời bác bỏ tối hậu thư của Thủ tướng Abiy Ahmed kêu gọi họ phải đầu hàng.

Lực lượng an ninh tuần tra tại ngoại ô Mekele thuộc vùng Tigray, miền Bắc Ethiopia ngày 9-9-2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lực lượng an ninh tuần tra tại ngoại ô Mekele thuộc vùng Tigray, miền Bắc Ethiopia ngày 9-9-2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nguồn tin ngoại giao cho biết trong ngày 24-11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiến hành cuộc họp đầu tiên về cuộc xung đột đang diễn ra ở vùng Tigray, miền Bắc Ethiopia. Cuộc họp sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến và hiện vẫn chưa rõ liệu có ra một tuyên bố chung hay không.

Cuộc họp trên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh thủ lĩnh phe đối lập ở vùng Tigray tuyên bố rằng người dân của ông "sẵn sàng chết" để bảo vệ vùng đất của họ, đồng thời bác bỏ tối hậu thư của Thủ tướng Abiy Ahmed kêu gọi họ phải đầu hàng trong vòng 72 giờ.

Trước đó, Thủ tướng Abiy Ahmed ngày 22-11 đã kêu gọi lực lượng Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) có 72 giờ để hạ vũ khí đầu hàng, trước khi quân đội Ethiopia phát động một cuộc tấn công tổng lực vào thủ phủ Mekelle của vùng này.

Quân đội Ethiopia cũng cảnh báo sử dụng xe tăng để bao vây thành phố Mekelle và nã pháo vào thành phố này để buộc lực lượng TPLF đầu hàng, đồng thời hối thúc người dân tìm nơi trú ẩn an toàn. Trong khi đó, TPLF tuyên bố lực lượng này vẫn "đứng vững."

Giao tranh giữa quân đội Chính phủ Ethiopia và TPLF nổ ra từ ngày 4-11 vừa qua. Chính phủ Ethiopia cáo buộc TPLF chủ mưu nhiều vụ việc gây bất ổn trên cả nước Xung đột đã khiến hàng trăm người thuộc hai phía thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải chạy qua biên giới phía Bắc Ethiopia để sang Sudan lánh nạn.

Hồi tuần trước, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi mở hành lang nhân đạo để hỗ trợ dân thường bị mắc kẹt trong cuộc chiến, đồng thời phê phán Chính phủ Ethiopia bác bỏ mọi nỗ lực trung gian hòa giải.

TPLF đã nắm quyền lãnh đạo chính trị tại Ethiopia trong gần 3 thập kỷ, trước khi ông Abiy nhậm chức Thủ tướng năm 2018. Căng thẳng giữa Chính phủ Ethiopia và TPLF gia tăng sau khi vùng Tigray tiến hành cuộc bầu cử địa phương vào tháng 9 vừa qua, bất chấp lệnh cấm của chính phủ do đại dịch COVID-19.

Trong các cuộc giao tranh diễn ra suốt thời gian qua, TPLF đã bắn một số rocket vào sân bay ở thủ đô Asmara của Eritrea, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh quy mô lớn hơn ở vùng Sừng châu Phi.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN