Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh sau 10 năm thực Chỉ thị số 40-CT/TW

16/07/2024 - 20:46

BDK.VN - Qua 10 năm thực Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác ủy thác cho vay tín dụng chính sách, góp phần cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh kiểm tra công tác nhận ủy thác ở cơ sở. Ảnh: Kim Thoa. 

Chỉ thị 40-CT/TW đã đi vào cuộc sống

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đến nay chỉ thị đã đi vào cuộc sống và đã tác động mạnh mẽ, tích cực. Nắm được nhu cầu, nguyện vọng,  điều kiện hoàn cảnh kinh tế của từng hộ gia đình, các cấp Hội phối hợp chặt chẽ, nhất là trong khâu tư vấn, giúp đỡ tiếp cận tín dụng, tham gia tổ chức bình xét đối tượng cho vay; phối hợp với NHCSXH hướng hồ sơ thủ tục vay vốn theo quy định, tính đến 30-4-2024 hệ thống hội có 1.158 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), với tổng dư nợ 1.751.306 triệu đồng, tăng hơn 1.066.192 triệu đồng so với năm 2014, tỷ lệ nợ quá hạn liên tục kéo giảm xuống hiện 0,12%. Chất lượng quản lý vốn của Ban quản lý TK&VV ngày càng được nâng lên, tỷ lệ Tổ đánh giá xếp loại tốt ngày càng tăng, tổ xếp loại trung bình ngày càng giảm. Tỷ lệ, hộ vay tham gia gửi tiết kiệm đạt trên 98% với tổng số tiền gửi tiết kiệm 120.822 triệu đồng.

Triển khai giai đoạn 1 có hiệu quả Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ 75 mô hình khởi nghiệp, 1.774 phụ nữ tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ tư vấn, khởi sự và phát triển 1.336 doanh nghiệp do nữ làm chủ; phát động 11 Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cấp huyện, cho các thí sinh nữ; kết quả đã có gần 750 ý tưởng tham gia dự thi; và có trên 80 dự án/ý tưởng được Hội chọn vào vòng chung kết xếp hạng và trao giải.

Chị Đỗ Ngọc Sơn, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam được xem là một trong những gương thoát nghèo hiệu quả từ chương trình TDCSXH. Chị Ngọc Sơn cho biết, từng là hộ nghèo, không nghề nghiệp, kinh tế túng quẩn, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay NHCSXH, gia đình chị có sự phát triển. Với số tiền 50 triệu đồng, chị Ngọc Sơn dùng để nuôi bò, heo nái, heo thịt. Nhờ cần cù chịu khó tích lũy trong chăn nuôi, lợi nhuận 40-50 triệu đồng/năm, cuộc sống dần ổn định. Năm 2018, chị Ngọc Sơn thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn.

Cũng như chị Ngọc Sơn, chị Nguyễn Thị Đào, hội viên Phụ nữ ấp Chợ Mới, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc khởi nghiệp từ nghề làm kẹo, vay vốn NHCSXH 30 triệu đồng và cộng với số tiền của chị em trong gia đình giúp đỡ, cho mượn, chị Đào mạnh dạn mua 1 máy trộn kẹo để sản xuất kẹo. Qua một thời gian hoạt động, hiện tại cơ sở của chị đã tạo việc làm cho hơn 10 chị em hội viên. Thu nhập ổn định, bình quân hàng tháng từ 7 - 10 triệu đồng.

Còn Chị Nguyễn Thị Lùng, ngụ ấp Sùng Tân, xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, là hộ nghèo. Vay nguồn vốn hộ nghèo NHCSXH 100 triệu đồng, đầu tư mở cơ sở đan giỏ lục bình, và nuôi thêm bò sinh sản. Đến nay, gia đình chị có 1 bò nái sinh sản, và 1 cơ sở đan giỏ lục bình với hơn 15 nhân công lao động. Với số tiền thu nhập được hàng tháng chị gởi vào tiết kiệm dần, đến nay đã trả được một phần nợ gốc, đồng thời gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo năm 2024.

Từ những kết quả nổi bậc nêu trên, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu, với trên 218 tập thể, cá nhân phụ nữ tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng nhằm thúc đẩy sự nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của cán bộ Hội, cán bộ Tổ TK&VV và các điển hình cá nhân trong việc sử dụng hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội. Qua 10 năm có trên 11.852 hộ có phụ nữ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, góp phần đạt chỉ tiêu giao ước thi đua hàng năm giúp từ 10 - 12% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ có điều kiện thoát nghèo” - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa nhấn mạnh.

Kinh nghiệm đã làm

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, nét nổi bật của Hội trong thực hiện Chị thị số 40, được khẳng định thông qua kết quả thực hiện với “6 nhất” trong hoạt động ủy thác với NHCSXH. Trong đó, Hội có số dư nợ cao nhất, nợ quá hạn thấp nhất, số tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nhất, số thành viên nhiều nhất, số Tổ tiết kiệm tín dụng được xếp loại tốt nhiều nhất và thành viên tham gia tiết kiệm cao nhất.

Có được những kết quả trên, Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cần có sự lãnh đạo xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, cụ thể với NHCSXH; giao nhiệm vụ rõ ràng cho từng cán bộ tham gia vào hoạt động tín dụng chính sách. Chủ động gắn kết giữa việc cho vay vốn với các chương trình, đề án có liên quan tranh thủ nguồn lực và phương pháp tiếp cận. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác; quan tâm kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Để tiếp tục tham mưu cấp ủy thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hội LHON tỉnh cho biết, trong thời gian tới các cấp Hội LHPN tỉnh tập trung triển khai thực hiện 4 nhóm chỉ tiêu nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó giải quyết đứt điểm những hạn chế khó khăn về mặt chủ quan của các cấp hội. Tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả nguồn vốn thành các nội dung thi đua. Tập trung theo sự chỉ đạo của Trung ương đảm bảo “6 Nhất” trong hoạt động ủy thác góp phần cùng NHCSXH hoàn thành kế hoạch tín dụng hàng năm. Chỉ đạo các cấp Hội thực hiện nghiêm và đầy đủ các công đoạn ủy thác. Tập trung tổ chức lồng ghép các hoạt động, phong trào của Hội gắn với hoạt động hỗ trợ vay vốn và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề tạo việc làm... nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát triển kinh tế của chị em phụ nữ nghèo. Tăng cường các cuộc hội thảo, tọa đàm phân tích, đánh giá, tìm ra nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục những yếu kém trong hoạt động ủy thác.

“Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp Hội nhận ủy thác, đẩy mạnh thực hiện TDCSXH. Tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả to lớn, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phát triển kinh tế, ổn định đời sống an ninh chính trị, văn hóa, xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng phi chính thức”.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa

P. Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN