Đổi thay trên quê hương Châu Bình anh hùng

17/07/2024 - 05:40

BDK - Xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm là vùng căn cứ cách mạng bị bom đạn tàn phá ác liệt trong kháng chiến, lại nằm ở vùng sâu nên việc phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự chung sức, đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã từng bước xây dựng, phát triển kinh tế và vinh dự 2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng.

Đường nông thôn xã Châu Bình (Giồng Trôm).

Vùng đất anh hùng

Địa bàn xã Châu Bình trong kháng chiến chống Mỹ là vùng nước mặn với cây chà là, chùm lé, lau, sậy… mọc hoang dại thành rừng nên được chọn là khu căn cứ của tỉnh. Nhờ địa thế hiểm trở, rừng che chở nên quân ta được bảo vệ an toàn mặc dù nhiều lần bị Mỹ, ngụy càn quét, bắn phá. Quân và dân Châu Bình kiên cường bám đất, chiến đấu dũng cảm để chiến thắng mọi âm mưu của kẻ thù. Là vùng đất cách mạng nên toàn xã có 106 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 439 liệt sĩ, 232 thương bệnh binh, 476 gia đình có công với cách mạng. Năm 1995, xã Châu Bình được phong danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” để ghi nhận những đóng góp của quân và dân Châu Bình trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau giải phóng, vùng căn cứ này gặp nhiều trở ngại để phát triển kinh tế - xã hội vì là vùng sâu, cơ sở hạ tầng yếu kém. Người dân Châu Bình quật khởi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước lại một lần nữa làm cuộc “Đồng khởi mới” để phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2005, Châu Bình lần thứ 2 được phong tặng danh hiệu “Anh hùng trong thời kỳ đổi mới” với những thành tích xuất sắc trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Khi địa phương phát động phong trào xây dựng NTM, Châu Bình là địa phương điển hình hoàn thành chương trình xây dựng NTM đầu tiên của tỉnh vào năm 2014.

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình Đào Văn Hội cho biết: “Thời điểm đó, xã Châu Bình không phải là 1 trong 5 xã điểm được tỉnh chọn để đầu tư xây dựng xã NTM. Tuy nhiên, Đảng bộ và nhân dân địa phương quyết tâm thi đua vừa làm, vừa học và vừa rút kinh nghiệm để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM. Sau đó, tỉnh thấy xã Châu Bình hoàn thành nhiều tiêu chí nên bổ sung vào xã điểm để tập trung đầu tư. Nhờ vậy, Châu Bình vinh dự là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận là xã NTM”.

Sau khi xây dựng thành công xã NTM, Châu Bình tiếp tục hoàn thành các tiêu chí để được công nhận xã NTM nâng cao vào năm 2020 và NTM kiểu mẫu vào năm 2024.

Vùng căn cứ thay áo mới

Đến xã Châu Bình, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến những đổi thay ở quê hương từng bị tàn phá trong kháng chiến. Tất cả các tuyến đường giao thông nông thôn được kết nối các ấp trong xã giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản được dễ dàng.

Con đường từ ấp Bình Lợi sang ấp Bình Xuân được mở rộng 3,5m để xe tải, xe ba gác lưu thông thuận tiện. Ông Thái Văn Hoàng, ngụ ấp Bình Lợi cho biết: “Từ nhà tôi ra tới UBND xã chỉ vài km nhưng trước đây phải đi bộ hay bơi xuồng rất vất vả. Hơn chục năm nay, nhờ Nhà nước và nhân dân cùng làm nên có con đường thông thoáng, đi lại rất dễ dàng và xe tải nhỏ vào tận nơi để thu mua dừa nên giá cao. Nhờ vậy, kinh tế phát triển nhanh chóng”.

Ấp Bình Xuân được chọn xây dựng mô hình ấp thông minh của xã Châu Bình. Hiện tại, ấp có 201/211 hộ gia đình có thiết bị thông minh như: tivi, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay… đạt tỷ lệ 95,26%. Nhờ có các thiết bị thông minh nên đã thành lập nhiều nhóm Zalo của các đoàn thể, tổ nhân dân tự quản, đảng viên… góp phần rất lớn trong việc thông tin tuyên truyền và bảo đảm an ninh trật tự trong xóm, ấp. Hiện cả 3 tuyến đường chính trong ấp đều được lắp camera giám sát kết nối với hộ dân và công an xã để quản lý tình hình an ninh trật tự tại địa phương nên người dân rất an tâm.

Bí thư Chi bộ ấp Bình Xuân Trần Văn Rạt cho biết: “Từ khi xây dựng NTM, đời sống người dân trong ấp có sự thay đổi rất lớn. Năm 2010, ấp có 36 hộ nghèo và 38 hộ cận nghèo, chiếm hơn 30% tổng số hộ dân. Nhờ tập trung phát triển kinh tế, trồng dừa hữu cơ theo chuỗi giá trị ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp nên kinh tế của người dân phát triển. Thu nhập bình quân đầu người đạt 79,6 triệu đồng/người/năm. Từ 3 năm nay, ấp không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo”.

Phó chủ tịch UBND xã Châu Bình Nguyễn Thanh Tâm cho biết: “Trên địa xã có 1 hợp tác xã nông nghiệp, 4 tổ hợp tác đã từng bước xây dựng chuỗi sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra, hoạt động hiệu quả, có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định. Kinh tế của địa phương có bước phát triển khá toàn diện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Địa phương cũng đang tập trung thành lập các tổ liên kết sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu tiêu thụ đầu ra cho cây dừa xiêm xanh”.

Hiện xã có một số mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao như nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa, tổ may gia công, tổ hợp tác nuôi bò sinh sản... Trong sản xuất, thương mại, toàn xã có 172 hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ và 10 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất nhằm tạo việc làm cho người lao động và góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

“Trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị  và nhân dân tập trung thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Những năm tiếp theo, địa phương sẽ củng cố vững chắc các tiêu chí của xã NTM kiểu mẫu và đang xây dựng xã “An toàn khu”. Từ đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và chính người dân là người thụ hưởng từ thành quả của phong trào xây dựng NTM mang lại”.

(Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình Phạm Thành Nam)

Bài, ảnh: Thành Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN