BDK - Phát triển về hướng Đông là nhiệm vụ then chốt, đột phá của tỉnh đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hướng đi này sẽ tạo động lực mới, mở ra không gian phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội cho tỉnh; phấn đấu đến năm 2030, Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, đến năm 2050 là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đột phá về hướng Đông.
Những kết quả nổi bật
Theo Quy hoạch tỉnh, các đột phá phát triển của tỉnh sẽ bao gồm: Tập trung phát triển hạ tầng giao thông ven biển, cảng biển, hạ tầng logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh); phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp…
Từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm biển của tỉnh là 31.056ha, đạt 86,27% so với kế hoạch năm 2024; sản lượng đạt 48.266 tấn, đạt 42,26% so với kế hoạch. Diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) phát triển tăng thêm 320,2/500ha, đạt 64,04% kế hoạch năm; sản lượng đạt 160.188 tấn, đạt 111,2% so với kế hoạch năm; lũy kế đã phát triển 3.430,2/4.000ha nuôi tôm biển UDCNC, đạt 85,75% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Lũy kế giá trị sản xuất ngành tôm đến tháng 6-2024 đạt 1,45 tỷ USD. Tổng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 122.650 tấn, đạt 61,32% so với kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản ước đạt 50,34 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp các huyện biển ước đạt 2.389,547 tỷ đồng, chiếm 11,98% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư, hỗ trợ để phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Trong đó, tỉnh đã kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, cùng với bộ, ngành liên quan nghe các địa phương có dự án điện gió trên bờ báo cáo khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp thực hiện; cập nhật các dự án điện gió vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; đồng thời, làm việc với Bộ Công Thương hướng dẫn triển khai Dự án Hydro xanh trên địa bàn tỉnh; làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đầu tư phát triển hạ tầng truyền tải theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội trên địa bàn 3 huyện biển từng bước được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp. Các cơ sở kinh doanh du lịch đều có mạng Internet, Wifi đảm bảo thông tin truyền thông và phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Trong 6 tháng, tổng lượng du khách đến 3 huyện biển đạt 321.390 lượt, chiếm 25% so với tổng lượng khách của tỉnh; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 398,5 tỷ đồng.
Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Ba Tri đã được phê duyệt; hiện đang chỉ đạo rà soát, giải trình ý kiến thẩm định đối với quy hoạch vùng huyện Bình Đại và huyện Thạnh Phú. Đề án công nhận các xã đạt chuẩn đô thị loại V của 3 huyện ven biển giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện đối với 3 xã, trong đó có 1/3 xã (Châu Hưng - huyện Bình Đại) đã được công nhận đạt chuẩn đô thị loại V, 2/0 xã (Tân Phong - huyện Thạnh Phú, Thới Thuận - huyện Bình Đại) đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương lập đề án công nhận đạt chuẩn đô thị loại V giai đoạn 2024 - 2025.
Hạ tầng giao thông - logistics tiếp tục được đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, công tác duy tu, bảo dưỡng được thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo giao thông thông suốt. Các công trình, dự án giao thông trọng điểm kết nối phát triển tỉnh về hướng Đông đang triển khai các bước tiếp theo trong hồ sơ, quy trình thủ tục.
Huy động các nguồn lực
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, trong 6 tháng còn lại của năm 2024, tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp và các chương trình, dự án đầu tư cần huy động nguồn lực trong Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy và kế hoạch cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, chương trình trọng điểm, nhất là cầu Rạch Miễu 2 và đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2; hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận; khởi công xây dựng cầu Ba Lai 8. Tiếp tục thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư các dự án: Tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh; xây dựng cầu Cửa Đại kết nối hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang; xây dựng cầu Cổ Chiên 2 kết nối hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.
Thực hiện kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp và tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, các cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, kho hàng, cảng biển, các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy nội địa... theo hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư theo quy định hiện hành. Đảm bảo tiến độ giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công theo quy định của Trung ương.
Tổ chức đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp, tổ hợp tác. Tập trung giải quyết kịp thời theo quy định pháp luật đối với những vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng, các vấn đề liên quan đất đai, quy trình, thủ tục thực hiện dự án…; giải quyết những vướng mắc của các dự án điện gió.
“Tỉnh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nhất là mối liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học phục vụ hoạt động chuyển giao công nghệ sản xuất các loại giống thủy sản có giá trị cao, kịp thời thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản, nâng cao giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh liên kết phát triển giữa tỉnh với các tỉnh/thành, nhất là các tỉnh tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp triển khai Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025…”.
(Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn)