Chị Hàn Thị Mai, xã Phú Đức với mô hình chăn nuôi dê thoát nghèo.
Hỗ trợ nghề cho phụ nữ
Cùng với việc giáo dục tư tưởng cho cán bộ hội; tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Hội LHPN xã Phú Đức tăng cường hoạt động hỗ trợ học nghề, truyền nghề, tạo việc làm cho hội viên, phụ nữ. Hội đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh tổ chức các lớp dạy nghề đan giỏ nhựa, may túi xách tự hoại, trồng rau sạch cho hơn 100 phụ nữ, giới thiệu việc làm cho gần 700 chị tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Chị Lê Thị Cẩm Nhung, sinh năm 1979, ở xã Phú Đức chia sẻ: “Nếu trước đây thường trông chờ vào tiền đi làm thuê của chồng, vì tôi phải chăm con nhỏ không đi làm ở công ty được thì nay tôi có nguồn thu ổn định từ nghề đan ghế nhựa. Nghề này tôi được chị em ở Hội LHPN xã giới thiệu cho học, mỗi tháng tôi kiếm thêm được khoảng 3,5 triệu đồng. Nhờ vậy cuộc sống gia đình tôi đã ổn định hơn trước”.
Còn chị Lê Thị Kim Dung, sinh năm 1967 chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc dạng hộ cận nghèo, từ ngày được Hội LHPN xã giới thiệu đan lát lục bình, đã giúp cho tôi có thêm thu nhập. Tuy số tiền không nhiều lắm nhưng đủ trang trải sinh hoạt trong gia đình, tận dụng được thời gian nhàn rỗi”.
Đa dạng mô hình giúp nhau
Để giúp đỡ chị em hội viên phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, hội đã hỗ trợ chị em tiếp cận với nhiều nguồn vốn như: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp huyện, Quỹ phụ nữ phát triển kinh tế, Dự án AMD… Chị Đặng Thị Ngọc Lệ - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Đức cho biết, hiện tại, hội đang quản lý 12 tổ, 21 nhóm vay với số tiền gần 10 tỷ đồng. Ngoài ra, hội còn phát triển các tổ hùn vốn thông qua phong trào phụ nữ giúp nhau, cụ thể như xây dựng 16 tổ tương trợ, tổ góp vốn xoay vòng, 38 tổ giúp nhau với sự tham gia của 873 chị, trong năm đã huy động được trên 200 triệu đồng hỗ trợ vốn cho 72 chị không tính lãi. Với các tổ, nhóm tiết kiệm, cán bộ hội LHPN xã đã quản lý chặt chẽ nguồn vốn, đa số hộ vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Hội LHPN xã thường xuyên khảo sát nhu cầu của phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để có kế hoạch phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân và có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thường xuyên phát động các phong trào “giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “phụ nữ sản xuất giỏi”, qua đó đã xuất hiện nhiều gương điển hình vượt khó thoát nghèo, sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu.
Song song đó, hội đã xây dựng và tổ chức thực hiện được 15 mô hình tổ hợp tác, liên kết sản xuất theo Nghị định số 151 của Chính phủ và hoạt động có hiệu quả như: mô hình tổ hợp tác sản xuất nem chay (ấp Phú Ninh); mô hình liên kết đan giỏ lục bình, đan ghế nhựa; may túi xách tự hoại, may quần áo gia công... qua đó đã giúp cho 204 hộ phát triển kinh tế gia đình.
Hội còn chủ động vận động mạnh thường quân xây dựng, sửa chữa 4 mái ấm tình thương cho hội viên, phụ nữ nghèo với số tiền 85 triệu đồng, tặng 450 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ, tết với tổng số tiền 165 triệu đồng; hỗ trợ cấp dưỡng hàng tháng cho 1 chị khuyết tật.
Với nhiều giải pháp giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, năm 2018, Hội LHPN xã Phú Đức dự kiến giúp được 12% hộ nghèo do hội viên phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo của xã đạt hiệu quả cao.
Bài, ảnh: Hiền Nguyễn