Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với 10 Đối tác (PMCs+1) thành công tốt đẹp

23/07/2010 - 14:27

Các Hội nghị lần này được xem là bước chuẩn bị quan trọng cho các Hội nghị Cấp cao liên quan giữa ASEAN với các Đối tác trong nửa cuối năm 2010

 

Ngày 22/7, tại Hà Nội đã diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với 10 Đối tác (PMCs+1) gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga, EU, Mỹ và Canada.

Các Hội nghị lần này được xem là bước chuẩn bị quan trọng cho các Hội nghị Cấp cao liên quan giữa ASEAN với các Đối tác trong nửa cuối năm 2010. Theo thông lệ, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các bên Đối tác đã kiểm điểm lại những tiến triển trong quan hệ hợp tác trong năm qua, đồng thời đề ra phương hướng và biện pháp thúc đẩy hợp tác cho thời gian tới. Các chủ đề được bàn thảo sâu rộng tại các Hội nghị lần này bao gồm: Tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả và toàn diện giữa ASEAN với các Đối tác, từ hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và kết nối ASEAN, đến ứng phó với các thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh hàng hải… Chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao quan trọng vào cuối năm bao gồm các Cấp cao thường niên giữa ASEAN với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, và các Cấp cao đặc biệt với Nga, Mỹ, Liên Hợp Quốc, Australia và New Zealand, nhất là về chương trình nghị sự, hợp tác ưu tiên, các văn kiện của các Hội nghị này. Trao đổi về tăng cường hợp tác khu vực, trong đó có khả năng tham gia và gắn kết sâu rộng hơn của các Đối tác trong tiến trình hình thành cấu trúc khu vực. Các nước Đối tác khẳng định ủng hộ ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm ở khu vực, và chia sẻ tầm nhìn của ASEAN về một cấu trúc khu vực tương lai bao gồm nhiều tầng nấc, đan xen và bổ trợ cho nhau dựa trên cơ sở của các cơ chế hiện có.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga

Tại Hội nghị lần này, ASEAN đã thông qua các chương trình hành động với các biện pháp hợp tác cho giai đoạn mới với một số Đối tác như Ấn Độ, Canada, New Zealand… ASEAN hoan nghênh mong muốn của Nga và Mỹ tham gia gắn kết sâu hơn vào cấu trúc khu vực, trong đó có việc tham gia làm thành viên của Cấp cao Đông Á, với phương thức phù hợp, để trình Cấp cao ASEAN 17 quyết định.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc, hai bên nhất trí khẩn trương hoàn tất dự thảo Chương trình hành động mới triển khai Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc vì Hòa bình và Thịnh vượng giai đoạn 2011-2015, trình Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc vào cuối năm nay xem xét thông qua; Đẩy mạnh triển khai các sáng kiến hợp tác giữa hai bên, trong đó có cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ thông tin... cũng như sử dụng các Quỹ do Trung Quốc hỗ trợ như Quỹ Hợp tác đầu tư ASEAN-Trung Quốc trị giá 10 tỉ USD và Quỹ hỗ trợ tăng cường trao đổi thương mại trị giá 15 tỉ USD; Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hai bên vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, hợp tác trong các tiến trình như ASEAN+3, EAS, ARF và trong việc tiếp tục các nỗ lực triển khai hiệu quả Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC), nhất trí tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc vào năm 2011.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nhật Bản

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga, các Bộ trưởng hoan nghênh những kết quả tích cực trong triển khai Chương trình hành động toàn diện ASEAN-Nga giai đoạn 2005-2015; sớm hoàn tất chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao 2 bên vào cuối năm như dự thảo Tuyên bố chung; Hiệp định Hợp tác văn hóa ASEAN-Nga; tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Nga-ASEAN; bàn và thống nhất một số hoạt động cụ thể chuẩn bị kỷ niệm 15 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Nga, trong đó có việc tổ chức ngày văn hóa Nga tại các nước ASEAN.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ, tiếp tục triển khai kết quả cuộc gặp Cấp cao lần 1 năm 2009 và chuẩn bị Cấp cao lần 2 trong năm 2010; hai bên nhất trí sớm hoàn tất xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Đối tác tăng cường ASEAN-Mỹ giai đoạn mới 2011-2015; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, cũng như ứng phó với các thách thức như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu...

ASEAN hoan nghênh việc Mỹ mở Phái đoàn đại diện thường trực tại ASEAN. Hai bên cũng bàn cụ thể về các nội dung chuẩn bị cho Cấp cao ASEAN-Mỹ lần 2 sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nhật Bản, ASEAN hoan nghênh đề xuất của Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác hướng tới tăng trưởng kinh tế với việc phối hợp triển khai kết nối ASEAN theo khuôn khổ “Đối tác ASEAN-Nhật Bản vì Tăng trưởng mới ở châu Á”. Nhật Bản khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua việc tiếp tục đóng góp cho Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản; thông báo sẽ dành một khoản trợ giúp trị giá 800 tỉ Yên hỗ trợ ASEAN triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối. ASEAN và Nhật Bản khẳng định cam kết sớm đưa vào hiệu lực và triển khai hiệu quả Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện (AJCEP).

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc, các Bộ trưởng nhất trí đẩy mạnh triển khai hiệu quả thỏa thuận Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Hàn Quốc, với mục tiêu đưa kim ngạch thương mại 2 chiều lên 150 tỉ USD vào năm 2015. ASEAN và Hàn Quốc nhất trí kiến nghị nâng cấp quan hệ ASEAN-Hàn Quốc lên tầm Đối tác chiến lược, và sẽ trình Lãnh đạo thông qua Tuyên bố về vấn đề này tại Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc vào cuối năm nay. ASEAN hoan nghênh Hàn Quốc đã mời Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN dự Cấp cao G-20 tại Hàn Quốc vào tháng 11 tới. ASEAN nhân dịp này cũng chia sẻ những tổn thất của Chính phủ và người dân Hàn Quốc do vụ chìm tàu Cheonan, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN- Trung Quốc

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ, hai bên nhất trí thông qua Kế hoạch hành động triển khai Đối tác ASEAN - Ấn Độ vì Hòa bình, Tiến bộ và Thịnh vượng chung giai đoạn 2010-2015; khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, công nghệ thông tin, môi trường cũng như hợp tác ứng phó với các thách thức như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… đồng thời giao các quan chức đề xuất các dự án cụ thể có thể sử dụng nguồn lực từ Quỹ xanh ASEAN-Ấn Độ và Quỹ phát triển Khoa học công nghệ ASEAN-Ấn Độ. Hai bên cũng bàn việc chuẩn bị kỷ niệm 20 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ vào 2012.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN- Australia, hai bên đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa và việc triển khai hiệu quả Hiệp định FTA ASEAN – Australia- New Zealand (AANZFTA) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay; nhất trí đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động triển khai Đối tác tăng cường ASEAN-Australia, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, thương mại và đầu tư, giao thông vận tải, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, văn hóa, giao lưu nhân dân... ASEAN và Australia nhất trí sẽ tổ chức Cấp cao ASEAN- Australia bên lề Cấp cao ASEAN 17 vào cuối năm 2010, để tạo đà mạnh mẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-New Zealand, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN- New Zealand về Đối tác tăng cường giai đoạn 2010-2015; với trọng tâm thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, văn hóa và giao lưu nhân dân. Hai bên đánh giá cao ý nghĩa và nhất trí triển khai hiệu quả Hiệp định FTA ASEAN – Australia- New Zealand (AANZFTA) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay. ASEAN hoan nghênh các đề xuất hợp tác mới của Zealand, trong đó có Khoản trợ giúp trị giá 54 triệu USD hỗ trợ Sinh viên các nước ASEAN tham gia các khóa đào tạo tại New Zealand trong 3 năm tới. ASEAN và New Zealand nhất trí tổ chức Cấp cao kỷ niệm ASEAN- New Zealand bên lề Cấp cao ASEAN 17 tại Hà Nội.  

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Canada, hai bên thông qua Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố chung ASEAN-Canada về Đối tác Tăng cường giai đoạn 2011-2015; nhất trí hợp tác xây dựng Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư ASEAN-Canada (TIFA) nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư. ASEAN hoan nghênh Canada ký Văn kiện gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), coi đó là một tiến triển quan trọng ý nghĩa trong quan hệ đối thoại ASEAN-Canada, cũng như cam kết của Canada đối với hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.   

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU, hai bên nhất trí đẩy mạnh các chương trình và kế hoạch hợp tác triển khai quan hệ Đối tác tăng cường ASEAN-EU; nhất là trên lĩnh vực kinh tế. ASEAN hoan nghênh mong muốn của EU gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) và thông báo việc ASEAN dự kiến cùng các nước tham gia TAC sẽ ký Nghị định thư thứ 3 sửa đổi Hiệp ước này vào ngày 23/7 để tạo điều kiện cho EU có thể sớm tham gia. 

Theo đánh giá của các đại biểu, 10 hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các đối tác lớn hội nghị đã thành công tốt đẹp. “Các đối tác ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN về một cấu trúc khu vực đang được định hình; chia sẻ Tầm nhìn ASEAN về một cấu trúc khu vực tương lai đan xen và bổ trợ lẫn nhau”- đây là nhận định chung của các Bộ trưởng Ngoại giao, các đại biểu quốc tế đưa ra sau 10 phiên họp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đối tác (ASEAN+1) ngày 22/7. Cùng với các nhận định này, các đại biểu quốc tế cũng đã đánh giá cao vai trò tổ chức cũng như những nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam đối với sự phát triển của ASEAN.

Chiều 23/7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan sẽ bế mạc. Trước đó, buổi sáng tiến hành phiên họp kín Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 17 (ARF 17) và chụp anh chung các Trưởng đoàn ARF. Lúc 14h, sẽ bắt đầu phiên toàn thể của Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 17.

** Nhân dịp này ông Phạm Quang Vinh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM Việt Nam trả lời phỏng vấn báo chí.

PV: Thưa ông, có rất nhiều nội dung được thảo luận tại Hội nghị, vậy nội dung nào thể hiện được vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2010?

Ông Phạm Quang Vinh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao

Ông Phạm Quang Vinh:

Với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã đề ra chủ đề trọng tâm là “Cộng đồng ASEAN- từ tầm nhìn đến hành động”. Điểm quan trọng nhất đối với hội nghị này là định hướng và những trọng tâm ưu tiên.

Ngoài ra, Việt Nam đã chuẩn bị rất nhiều mặt, trong đó có chủ đề, tham vấn và soạn thảo văn kiện. Hai thông điệp lớn của hội nghị là: “ASEAN đoàn kết, quyết tâm thực hiện xây dựng cộng đồng ASEAN, liên kết ASEAN; quyết tâm mở rộng hợp tác với các bên vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh.

PV: Thưa ông, trong tuần lễ ASEAN diễn ra từ ngày 19 đến 23/7, có tổng cộng 20 hội nghị quan trọng. Trong đó, có Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 17 (ARF 17) diễn ra vào lúc 14h ngày 23/7 là diễn đàn mà rất nhiều đối tác lớn của ASEAN rất quan tâm như Trung Quốc và EU. Vậy đâu là nội dung chính của ARF lần này?

Ông Phạm Quang Vinh: Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 sẽ hội tụ các Bộ trưởng và đại diện 27 đối tác tham gia Diễn đàn. Đây là diễn đàn lớn của ASEAN với các bên đối tác chính và ARF được coi là diễn đàn hàng đầu về đối thoại an ninh, chính trị của khu vực.

Tại Diễn đàn, các Bộ trưởng ASEAN và Đối tác sẽ tập trung trao đổi về phương hướng phát triển của ARF trong thời gian tới, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực ARF hòa bình, ổn định và phát triển; các Bộ trưởng cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trong đó có Hiệp ước về hữu nghị hợp tác Đông Nam Á, Hiệp ước về Không phố biến hạt nhân ở Đông Nam Á và Tuyên bố của các bên về Biển Đông. Nhân dịp này, các nước tham gia ARF sẽ thông qua Chương trình Hành động Hà Nội để tuyên bố tầm nhìn ARF đến 2020, trong đó đề ra các mục tiêu hợp tác.

PV: Trong diễn văn khai mạc Ngoại trưởng Ngoại giao ASEAN 43, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến vai trò của ASEAN trong việc giữ ổn định và hoà bình khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại Diễn đàn ARF 17, các Bộ trưởng có nhấn mạnh đến biện pháp cụ thể nào để cụ thể hóa việc này, thưa ông?

Ông Phạm Quang Vinh: Đây là lợi ích sát sườn, thiết thân cũng như nguyện vọng chung của ASEAN cũng như các nước trong khu vực và các nước liên quan. Đây sẽ là trọng tâm mà ASEAN trao đổi trong nội bộ của mình cũng như với các bên đối tác. Biện pháp đầu tiên là tạo dựng một môi trường hòa bình, ổn định, chung tay chung sức với nhau. Thứ hai, chúng ta có rất nhiều công cụ để thực hiện mục tiêu này như TAC, SEANWFZ, DOC… Thứ ba, ASEAN phải phát huy vai trò là nòng cốt trong tiến trình hợp tác khu vực, chủ động phối hợp với các bên đối tác để thúc đẩy hợp tác xây dựng lòng tin trong nội khối.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Nguồn VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN