Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh khóa VIII

17/10/2008 - 08:34

Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PĐ.

Hai ngày 15 và 16-10-2008, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VIII đã tổ chức hội nghị lần thứ 15 thảo luận, đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị “về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”,

Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về “đẩy mạnh phát triển đô thị tỉnh Bến Tre đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”; nghe thông báo nhanh kết quả Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8 và quán triệt nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong 9 tháng đầu năm 2008 và các giải pháp thực hiện từ nay đến cuối năm và năm 2009.

Hội nghị đã nghe báo cáo của đoàn kiểm tra về bảo vệ môi trường, ý thức bảo vệ môi trường của cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhân dân được nâng lên, nhất là từ khi triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh ủy. Quản lý nhà nước về môi trường được quan tâm qua việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định, kế hoạch tổ chức thực hiện. Các ngành chức năng phối hợp hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên hơn. Tuy nhiên, vai trò chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền về bảo vệ môi trường còn nhiều thiếu sót; chưa tạo được dư luận phản ứng mạnh mẽ trong xã hội về hành vi gây ô nhiễm môi trường; còn đặt nặng lợi ích kinh tế hơn bảo vệ môi trường. Chính sự lỏng lẻo, thiếu tập trung, không kiên quyết của chính quyền và chưa quan tâm của người dân là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm môi trường rất đáng lo ngại hiện nay.

Về phát triển đô thị, nhiều nơi tiến hành lập quy hoạch đồ án xây dựng để làm cơ sở cho thực hiện các dự án đầu tư. Qua hai năm triển khai, nhiều công trình quan trọng đã đưa vào sử dụng như QL57, QL60, cảng sông Giao Long, bến phà Cổ Chiên, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản, kiên cố hóa trường lớp, các dự án y tế nông thôn… Đặc biệt cầu Rạch Miễu sắp đưa vào sử dụng, cầu Hàm Luông đẩy nhanh tiến độ thi công là điều kiện thuận lợi để Bến Tre hiện đại hóa đô thị, mở rộng giao lưu với các tỉnh, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh hơn. Bên cạnh những mặt đạt được, việc lập quy hoạch, công bố và triển khai thực hiện quy hoạch còn lúng túng. Quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa tốt. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về xây dựng và phát triển đô thị, xây dựng khu dân cư nông thôn chưa sâu, chưa rộng khắp. Một số cấp ủy huyện thiếu quan tâm lãnh đạo phát triển đô thị tại địa phương, chưa xác định nhiệm vụ xây dựng đô thị là vấn đề bức xúc nên việc chỉ đạo, hỗ trợ chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ.

Trong phát triển kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm, dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn và hoạt động đi vào nề nếp. Bên cạnh vẫn còn những khó khăn, tồn tại như tình hình dịch bệnh, sản xuất gặp khó khăn do thiếu điện, đầu tư cơ bản gặp khó do giá nguyên vật liệu tăng cao. Tỷ lệ học sinh bỏ học bậc trung học còn cao. Khám chữa bệnh tuyến cơ sở còn hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng chưa bền vững. Công tác cải cách hành chính còn bất cập, nhất là thực hiện cơ chế một cửa liên thông. An ninh trật tự còn nhiều phức tạp.

Ông Nguyễn Hải Châu - Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PY

Với tinh thần kiểm điểm, đánh giá đúng thực chất kết quả đạt được và những mặt hạn chế, đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung kiểm điểm sâu về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Có trên 20 ý kiến thảo luận tại hội trường. Đa số đại biểu cho rằng vấn đề ô nhiễm môi trường của Bến Tre là trầm trọng, nhất là rác thải, nước thải y tế, nước thải từ chăn nuôi và rác ở nông thôn. Nguyên nhân được đưa ra nhiều, song cốt lõi của tình trạng ô nhiễm vẫn còn tồn tại, nhiều đại biểu cho rằng do thiếu vốn nên không thể xử lý triệt để bằng việc xây dựng bãi rác tập trung, hệ thống xử lý nước thải, rác thải hay xây dựng nhà máy xử lý rác… Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài chính, nguồn vốn cho bảo vệ môi trường thường xuyên sử dụng không hết (năm 2007 sử dụng 6/11 tỉ đồng, năm 2008 đến nay cũng chỉ khoảng trên 70% trong số 11 tỉ đồng được phân bổ).

Về quy hoạch đô thị chậm, có ý kiến đề nghị giãn thời gian đến sau năm 2010. Tuy nhiên, theo ý kiến của Sở Xây dựng, điều này là không nên vì kế hoạch này đúng ra phải hoàn chỉnh từ năm 2003. Và để thực hiện đạt kế hoạch, có ý kiến đề nghị cần “nhảy rào” một số bước. Nhưng ý kiến này không được tán thành vì thực tế nguồn vốn thực hiện qui hoạch đô thị nói chung không phải quá khó khăn. Vấn đề ở đây là các huyện thị và ngành liên quan có quan tâm, làm hết trách nhiệm và chất lượng thì sẽ đảm bảo thực hiện đúng tiến độ. Vì thực tế, có những qui hoạch kéo dài 2, 3 năm nhưng khi quay lại kiểm tra là sai, phải làm lại từ đầu.

Vấn đề phát triển kinh tế trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, đại biểu đánh giá Bến Tre cũng có ảnh hưởng nhưng không lớn. Vấn đề được bàn luận nhiều là mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 sẽ là bao nhiêu và làm thế nào để đạt được mục tiêu đó. Lĩnh vực nông nghiệp được dự báo sẽ tăng giá trị do ngành nông nghiệp tập trung nâng cao chất lượng, áp dụng khoa học kỹ thuật trong cây trồng, vật nuôi. Nhưng để mức tăng trưởng đạt 13% trong năm 2009 đòi hỏi công nghiệp phải tăng 30%, mà điều này rất khó khả thi. Hội nghị thống nhất sẽ có cuộc họp giữa các ngành liên quan để thống nhất vấn đề này.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be nhấn mạnh: Từng ngành, từng cấp phải rà soát, đánh giá thật chính xác kết quả thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết năm, nhất là đối với những nhiệm vụ trọng tâm; làm rõ những mặt được và chưa được để kịp thời bổ sung biện pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết năm 2008. Việc chuẩn bị xây dựng chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách hàng năm là việc làm quan trọng và cần thiết phải có sự lãnh đạo của Đảng. “Tôi yêu cầu từ nay trở đi, tháng 9 hàng năm cấp ủy phải tập trung lãnh đạo công tác này đi vào nề nếp”. Tiếp tục tranh thủ nguồn đầu tư bên ngoài nhưng trước hết phải huy động các nguồn lực trong dân. Tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, tập trung nâng chất lượng sinh hoạt Đảng, tăng cường quản lý nhà nước, công tác cán bộ. Đặc biệt “phải tạo bước chuyển biến rõ nét hơn về ý thức trách nhiệm, lề lối làm việc, sinh hoạt, quan hệ đồng chí, đồng đội và tiếp xúc với nhân dân” theo đúng yêu cầu mà Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 14, ngày 4-7-2008 đã đề ra.

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN