Hội nghị ngoại trưởng G7 thảo luận về an ninh lương thực và năng lượng

13/05/2022 - 10:55

Ngày 12-5-2022, phát biểu trước khi Hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra trong 3 ngày tại bang Schleswig-Holstein ở miền Bắc nước Đức, Ngoại trưởng nước chủ nhà Annalena Baerbock nhấn mạnh Hội nghị ngoại trưởng G7 lần này có "tầm quan trọng chiến lược" trong bối cảnh đang diễn ra cuộc xung đột ở Ukraine.

Hàng hóa khan hiếm tại một siêu thị ở Frankfurt, Đức, do cuộc xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cho châu Âu. Ảnh: THX/TTXVN
Hàng hóa khan hiếm tại một siêu thị ở Frankfurt, Đức, do cuộc xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cho châu Âu. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Ngoại trưởng Baerbock, cuộc chiến nổ ra ở Ukraine không chỉ tạo ra khủng hoảng sâu sắc đối với toàn châu Âu mà còn là cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu.

Do Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc quan trọng của thế giới nên cuộc chiến ở nước này đang gây ra những tác động lớn tới an ninh lương thực toàn cầu do có hàng triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine.

Ngoại trưởng Đức cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực trước tiên ở châu Phi và Trung Đông vì hậu quả của cuộc chiến do hiện có tới 25 triệu tấn ngũ cốc mà thế giới rất cần đang bị phong tỏa tại các cảng ở Ukraine.

Đặc biệt, cuộc khủng hoảng lương thực này sẽ càng nghiêm trọng hơn nữa dưới tác động của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo Ngoại trưởng Baerbock, G7 muốn đảm bảo để Ukraine, bất chấp cuộc chiến tiếp diễn, vẫn tiếp tục là nước xuất khẩu nguồn lương thực quan trọng của thế giới. Nhà ngoại giao Đức nhấn mạnh G7 sẽ cùng thảo luận cách thức "phá" lệnh phong toả xuất khẩu ngũ cốc ở Ukraine để nước này có thể tiếp tục xuất khẩu ra thế giới, bởi nếu lúa mỳ được vận chuyển bằng đường bộ thay vì đường biển thì sẽ chỉ có một lượng nhỏ có thể được vận chuyển ra nước ngoài.

Liên quan tới đề nghị của Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba muốn Đức cung cấp máy bay chiến đấu giúp nước này phòng thủ, Ngoại trưởng Baerbock bày tỏ dè dặt trước đề nghị của Ukraine, đồng thời nhắc lại quan điểm trước sau như một của Chính phủ liên bang về việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine.

Cho tới nay, Chính phủ Đức và NATO phản đối mạnh mẽ việc thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine vì lo ngại việc thực thi lệnh cấm có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga - điều này có nguy cơ đẩy cuộc chiến ở Ukraine leo thang nghiêm trọng.

Trong chuyến thăm tới Kiev hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Đức đã đề cập tới các biện pháp mà Berlin có thể hỗ trợ nhằm tăng khả năng phòng thủ của Ukraine mà không kéo NATO trở thành một bên tham chiến.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN