Hôm nay (2/3), Hội nghị quốc tế về tái thiết Dải Gaza diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập). Dự kiến tham dự Hội nghị có đại diện nhóm Bộ Tứ (Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu, LHQ) cùng đại diện của 70 chính phủ quốc gia trên thế giới.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, đã xuất hiện nhiều tín hiệu khả quan trước thềm Hội nghị, khi tuần qua các phe phái Palestine nhất trí thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc và Liên minh châu Âu, Mỹ… công bố những con số viện trợ đầy hứa hẹn cho Palestine. Hy vọng là vậy, tuy nhiên trên thực tế còn khá nhiều cản trở đối với tiến trình này.
Thuận lợi đầu tiên là việc Liên minh châu Âu công bố khoản viện trợ nhân đạo trị giá 436 triệu euro cho Palestine. Nhiều nhật báo châu Âu số ra cuối tuần trước dẫn lời Cao ủy phụ trách Đối ngoại EU bà Benita Ferrero Waldner cho biết “ưu tiên hàng đầu của khoản viện trợ nay flaf giúp người dân Palestine vượt qua cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay và giúp tái thiết dải Gaza nhanh hơn”. Trước đó, báo chí Ai Cập đưa tin chính quyền Mỹ có kế hoạch chi 900 triệu USD viện trợ cho Palestine, song đề xuất này còn phải chờ Thượng viện Mỹ thông qua. Dự kiến, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ chính thức thông báo về các khoản viện trợ này tại Hội nghị quốc tế hôm nay.
Thuận lợi thứ 2 khiến dư luận hy vọng một kết quả tích cực từ hội nghị, là sự “hàn gắn” trong nội bộ chính quyền Palestine. Việc 2 phong trào đối địch là của Palestine là Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas và Hamas đang kiểm soát Dải Gaza đã nhất trí hợp tác thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc tuần qua, được coi là tín hiệu tích cực nhất mở đường và khuyến khích các bên tham dự hội nghị hôm nay. Dù chưa xác định được chính phủ đoàn kết dân tộc ở Palestine sẽ định hình như thế nào, điều quan trọng nhất là Hamas và Fatah đã nhận thức được rằng tình trạng chia rẽ giữa Bờ Tây và Gaza là nguyên nhân khiến tiến trình hòa bình khu vực thất bại và tạo cớ để Israel thực hiện chiến dịch tấn công Gaza. Hơn nữa, nhìn vào những điều khoản thảo luận giữa hai bên, trong đó có việc Hamas và Fatah nhất trí thả tự do cho các tù nhân của hai phái đang bị giam giữ, chấm dứt cuộc khẩu chiến trên các phương tiện truyền thông và tiến hành bầu cử vào tháng Giêng năm 2010… người ta có thể lạc quan hơn trong hy vọng Hamas và Fatah dẹp bỏ hoàn toàn được bất đồng, xây dựng được một chính phủ đoàn kết dân tộc thực sự.
Hy vọng là vậy, nhưng thực tế cho thấy còn nhiều yếu tố đe dọa nỗ lực tái thiết dải Gaza. Chưa có gì chắc chắn cho thấy chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine có thể tồn tại, lâu dài nếu các bên không dẹp bỏ những mâu thuẫn lợi ích sâu xa. Quan hệ giữa hai phái này hiện vẫn khá căng thẳng, đặc biệt sau đợt tấn công quân sự của Israel vào Gaza. Hamas cáo buộc Fatah bắt giam 80 thành viên của phong trào này ở Bờ Tây. Hamas còn cho rằng chính Fatah đã cung cấp cho Israel thông tin về vị trí các cơ quan, đường ngầm, cơ sở sản xuất vũ khí… của Hamas để tạo điều kiện cho quân đội Israel tấn công Gaza. Trong khi đó, theo các nguồn tin, Hamas sẽ không được quyền tiếp cận các khoản viện trợ nhân đạo (dự kiến sẽ lên tới 2,8 tỷ USD) tại hội nghị này. Các đại diện của Mỹ và EU đã nói bóng gió về vấn đề này.
Một yếu tố nữa có thể khiến chính phủ đoàn kết dân tộc tương lai của Palestine lung lay, đó là sự phân chia các vị trí trong bộ máy nhà nước mới. Dù chưa khởi động, song tiến trình này hứa hẹn nhiều khó khăn khi Fatah và Hamas khó có thể phân chia các vị trí quan trọng. Nếu không khéo xử lý, mâu thuẫn tiềm ẩn giữa Fatah và Hamas sẽ bùng phát trở lại, tái hiện kịch bản sụp đổ chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine hồi năm 2006.
Trong khi đó, việc tái khởi động đàm phán về Hòa bình Trung Đông – tham vọng của nhóm Bộ Tứ, đặc biệt là Mỹ chưa có thêm dấu hiệu khả quan. Về phía Israel, cho đến nay, ông Netayahu vẫn chưa thành lập xong chính phủ mới khi kết quả các cuộc đàm phán cuối cùng vẫn là con số không. Đảng Kadima và Công đảng đã thẳng thừng từ chối lời mời tham gia chính phủ của Thủ tướng được chỉ định Netayahu, dập tắt hy vọng xây dựng một “chính phủ ôn hòa và đoàn kết”, như mong muốn của ông này.
Các nhà phân tích cho rằng những lời từ chối này sẽ ảnh hưởng nhất định tới tiến trình hòa bình Trung Đông, khi cả ông Ehud Barak và bà Tzipi Livni được coi là những nhân vật có quan điểm mềm mỏng hơn về đàm phán hòa bình. Ngoài ra, sự từ chối của các nhân vật này sẽ khiến chính phủ tương lai của ông Netayahu khó có thể nhận được sự hậu thuẫn của dư luận quốc tế và có một đa số ổn định tại quốc hội. Trong bối cảnh này, rõ ràng nỗ lực của cộng đồng quốc tế khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ còn nhiều trở ngại./.