Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Hội nghị trực tuyến kết nối đến các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố với sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương. Phía điểm cầu tỉnh có Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Sau khi tổ chức lấy ý kiến, đã có gần 2.000 đề xuất, nguyện vọng, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân cả nước gửi gắm đến người đứng đầu Chính phủ với 6 nhóm vấn đề, bà con nông dân quan tâm, mong muốn được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giải đáp như việc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai như: Phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị. Các giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng đồng bằng sông Cửu Long mà Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành.
Các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp như: Hỗ trợ, trang bị thiết bị chuyển đổi số, hạ tầng mạng, viễn thông, đặc biệt là công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số. Các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản như: Canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững. Giải pháp, chính sách trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa khoa học; quy hoạch, phát triển công nghiệp, làng nghề chưa khoa học, thiếu tính khả thi… để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh. Cần quan tâm tạo điều kiện giải quyết, chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người nông dân như: giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ở khu công nghiệp, ở đô thị hay đi xuất khẩu lao động khi quay về nông thôn…
Vua tôm Đặng Văn Bảy, huyện Thạnh Phú tham luận tại hội nghị.
Tại hội nghị có 14 ý kiến của nông dân gởi đến Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Thủ tướng Chính phủ đã tiếp thu, tham gia giải trình và chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sớm xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đáng của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiến tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Đây là lần thứ 5 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị này…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục nâng cao ý chí tự lực, tự cường, khát vọng làm giàu, xây dựng người nông dân trí thức, chăm lo xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, hăng hái tham gia tích cực vào lao động sản xuất. Khơi dậy tinh thần yêu nước và thi đua yêu nước, đổi mới, sáng tạo trong nông dân, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh tế số, hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo lượng hàng hóa lớn, sản xuất sạch - xanh - an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khó tính. Kịp thời thay đổi tu duy, bắt kịp xu thế phát triển kinh tế thị trường, khắc phục nguy cơ tụt hậu, gắn sản xuất với chế biến. Tập trung phát triển kinh tế tập thể, tạo liên kết chuỗi nhằm gia tăng giá trị các mặt hàng nông sản của người nông dân. Sản xuất phải chú trọng phù hợp với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu sắc để nâng cao nhận thức của nông dân về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân nông thôn, tạo công ăn việc làm ổn định, từng bước nâng cao tay nghề cho nông dân, kịp thời phát hiện và nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo trong nông dân.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ Hội các cấp phải đủ tầm và tâm, nhiệt huyết, đủ năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác phối hợp với các ngành, các cấp chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường công tác đối ngoại nhân dân. Tập trung công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn…
Tin, ảnh: Thành Lập