Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: Reuters
Các lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) ngày 24-8-2019 chia sẻ quan điểm chung rằng Iran không nên sở hữu vũ khí hạt nhân, tuy nhiên vẫn còn bất đồng trong cách tiếp cận để tìm ra một giải pháp cho vấn đề này.
Trong bữa ăn tối làm việc kéo dài gần 3 giờ tại thành phố duyên hải Biarritz Tây Nam nước Pháp, các nhà lãnh đạo G7 (gồm Pháp, Đức, Nhật, Italy, Anh, Hoa Kỳ và Canada) đã trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề, trong đó có hạt nhân Iran, đưa Nga trở lại nhóm, cháy rừng Amazon...
Về vấn đề Iran, các lãnh đạo G7 đang lo ngại chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi các thỏa thuận quốc tế phục vụ cho các lợi ích Mỹ trước tiên, nhất là việc ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015, làm gia tăng căng thẳng tại Trung Đông.
Câu hỏi lớn đặt ra là liệu G7 có là một diễn đàn hiệu quả để giải quyết các vấn đề toàn cầu sau những va chạm gần đây giữa Mỹ với các nước thành viên hay không. Hội nghị Biarritz diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran không có dấu hiệu "hạ nhiệt" kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Mỹ kêu gọi các đồng minh tham gia liên minh bảo vệ tàu tại Eo biển Hormuz, nhưng nhiều nước tỏ thái độ "chờ và xem."
Sáng kiến này của Mỹ đã không nằm trong các chủ đề được thảo luận ngày 24-8-2019. Trong số các nước G7, Anh đã thông báo sẽ tham gia sáng kiến của Mỹ, nhưng Pháp và Đức tỏ ra thận trọng. Nhật Bản - đồng minh chính của Mỹ tại châu Á nhưng lại có quan hệ tốt và nhập khẩu dầu từ Iran-vẫn chưa tỏ rõ quan điểm của mình. Phát biểu trước các lãnh đạo G7 tại bữa tối làm việc, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Tokyo sẽ tiếp tục cam kết với Tehran trên mặt trận ngoại giao.
Iran đã thông báo ngừng một số cam kết trong JCPOA. Các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra nhằm cứu vãn thỏa thuận này. Tổng thống nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này Emmanuel Macron đã hội đàm với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trước thềm hội nghị.
Cũng tại bữa tối làm việc trên, các lãnh đạo G7 đã thảo luận khả năng Nga trở lại nhóm. Dù Tổng thống Trump hối thúc G7 tái thu nạp Nga, các thành viên khác hiện vẫn phản đối. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí cần tăng cường hỗ trợ nhằm dập tắt đám cháy rừng hiện nay tại rừng mưa Amazon ở Brazil.
Liên quan đến Triều Tiên, Tổng thống Trump vẫn bày tỏ hy vọng có thể gặp lại nhà lãnh đạo Kim Jong-un để thúc đẩy các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, bất chấp Bình Nhưỡng liên tiếp thử nghiệm vũ khí trong 1 tháng qua, mới nhất là vụ phóng cùng ngày 24-8-2019. Nhận định về bữa tối làm việc, Tổng thống Trump bình luận trên Twitter cho biết cuộc gặp với các lãnh đạo thế giới đã diễn ra "rất tốt đẹp", và "sẽ đạt được tiến bộ."
Trong bối cảnh sự đoàn kết G7 đang bị đặt câu hỏi, trong những ngày họp tới, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận một loạt chủ đề từ kinh tế toàn cầu và số hóa, đến bất bình đẳng và vấn đề Triều Tiên...
TTXVN