Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng và Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đồng chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh, tham dự có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Mai Rý; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, tỉnh và một số doanh nghiệp, tập đoàn, điển hình liên kết đầu tư vào khu vực KTTT, HTX, HTX điển hình ở địa phương.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW về KTTT và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 được tổ chức dựa trên cơ sở và là kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Kết luận số 70-KL/TW ngày 9-3-2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT và Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25-9-2020 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70/KL-TW. Theo đó, Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX chủ trì tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT và tổng kết 10 năm thi hành Luật KTTT năm 2012.
Trong 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực KTTT đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế của đất nước.
Dự kiến đến 31-12-2021, toàn quốc có 27.342 HTX (18.327 HTX nông nghiệp, và 9.015 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng HTX tăng 16.420 HTX (khoảng 2,5 lần) so với năm 2001, số thành viên HTX tăng 465.603 người (khoảng 9%) so với năm 2001. Tính đến 31-12-2021, số lao động làm việc trong HTX là 1.078.000 người, tăng 549.693 người (gấp 2 lần) so với thời điểm 31-12-2001.
Tại hội nghị, qua các ý kiến tham luận của các đại biểu, hầu hết đều thống nhất rằng bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, khu vực KTTT của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề những nhiệm vụ, định hướng, giải pháp phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển mới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Các bộ ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với tình hình mới, phù hợp với cơ chế và tiềm năng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn, nhất là điểm nghẽn về thể chế, nhưng phải tôn trọng thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Sáng tạo khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số trong chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế tri thức.
Huy động mọi nguồn lực hợp pháp để phát triển, nhất là công tác thông tin. Có mô hình quản trị KTTT, HTX tiên tiến kết hợp với mô hình truyền thống, nhưng đảm bảo phù hợp với tình hình trong nước cũng như quốc tế. Tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng chuỗi sản phẩm ở từng vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế. Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và những người tham gia các chủ thể.
Tin, ảnh: Quốc Hùng