BDK.VN - Ngày 17-9-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 14 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trên địa bàn. Tại điểm cầu tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh dự.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh báo cáo tình hình thực hiện khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Theo Bộ GTVT, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, đa số các dự án có đủ nguồn vật liệu và điều kiện GPMB thuận lợi, tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu. Một số dự án có giá trị thực hiện lớn như Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 thi công đạt 52%, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua An Giang đạt 26%, Vành đai 4 Hà Nội đoạn qua Hà Nội đạt 33%, dự án Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua Hà Giang đạt 35%, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua Long An đạt 41%, Cao Lãnh - An Hữu đoạn qua Đồng Tháp đạt 36%, Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 35%, một số dự án thành phần (DATP) đang phấn đấu hoàn thành sớm từ 3 đến 6 tháng.
Tuy nhiên, việc triển khai thi công các dự án tại một số địa phương còn chậm như Cần Thơ 10%, Sóc Trăng 5% tại dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bắc Ninh 5% tại dự án Vành đai 4 Hà Nội, Cao Bằng 2% tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Lạng Sơn mới triển khai thi công dự án Hữu Nghị - Chi Lăng; đặc biệt tại các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 gồm: Đồng Nai 5% tại DATP 1 Biên Hòa - Vũng Tàu, 5% tại DATP 3 Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Bình Dương 11% tại dự án Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; Tuyên Quang 13% tại dự án Tuyên Quang - Hà Giang và một số dự án khác.
Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời hạ tầng kỹ thuật, cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD); phát động phong trào thi đua để hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tập trung tháo gỡ về giải phóng mặt bằng, về vật liệu xây dựng, về thủ tục đầu tư.
Trong các khó khăn về VLXD, báo cáo nêu rõ, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long triển khai thủ tục cấp mỏ cho các nhà thầu chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (hoàn thành trước ngày 30-8-2024), ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Nhiều mỏ tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu, phải tìm kiếm thay thế ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ. Một số mỏ tại tỉnh Bến Tre cấp cho nhà thầu triển khai thủ tục khai thác nhưng thuộc quy hoạch khai thác khoáng sản thời kỳ 2026 - 2030 nên địa phương còn lúng túng trong việc triển khai các thủ tục.
Tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh phát biểu thông tin kết quả, tiến độ thực hiện việc khai thác khoáng sản và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về VLXD. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà hoan nghênh tinh thần của tỉnh trong việc chủ động đề xuất các vấn đề về VLXD cung ứng cho các công trình trọng điểm. Giao UBND tỉnh cân nhắc quyết định giải pháp theo thẩm quyền đã được giao và tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành trung ương có liên quan để được hướng dẫn thực hiện.