Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phát biểu.
ĐBSCL là vùng rất đặc biệt, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, là vùng động lực tăng trưởng lớn, có đóng góp lớn trong GDP và thu ngân sách quốc gia. Đặc biệt là tiềm năng đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp, trụ đỡ của nền kinh tế quốc gia.
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông qua báo cáo tổng thể dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL để các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cho ý kiến. Báo cáo nêu rõ: Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 kế thừa những nội dung chính của tầm nhìn phát triển đến năm 2050 đã được xác định trong Nghị quyết số 120/NQ-CP.
Quan điểm là phát triển vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, hài hòa dựa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường; phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, lấy con người làm trung tâm, thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu tất yếu, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi.
Mục tiêu của quy hoạch là phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế, các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu,…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam thông tin tóm lược về tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh Bến Tre, gắn với quy hoạch chung của vùng. Về Quy hoạch vùng ĐBSCL, Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất lên Chính phủ 3 vấn đề, đó là: Bến Tre đang xúc tiến việc xây dựng một trường đại học quy mô cấp vùng trực thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đề nghị đưa việc này vào quy hoạch vùng. Về hạ tầng giao thông, đề nghị đưa vào quy hoạch xây dựng cầu Đình Khao nối tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long để thay thế phà hiện hữu nhằm kết nối giao thông trên tuyến quốc lộ 57. Việc thứ ba, do tiềm năng, thế mạnh và vị trí đặc thù của vùng ĐBSCL, đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét ban hành một nghị quyết đặc thù về cơ chế, chính sách cho vùng này.
Kết luận chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị: Sau hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành ĐBSCL để tổng hợp, trình Hội đồng thẩm định. Cố gắng phê duyệt quy hoạch trong tháng 11 này. Việc phê duyệt quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là công cụ để thực hiện đạt mục tiêu phát triển của toàn vùng ĐBSCL giai đoạn tới.
Đánh giá tiềm năng, thế mạnh phát triển và vai trò rất quan trọng của vùng ĐBSCL, Phó thủ tướng cho biết trong thời gian tới chủ trương chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là sẽ tập trung ưu tiên nhiều chính sách cho vùng ĐBSCL để khai thác cho được tiềm năng, lợi thế của vùng.
Vì vậy, trong hoàn thiện quy hoạch, cần ưu tiên số 1 cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Ưu tiên cho phát triển đô thị, công nghiệp, nhưng vẫn duy trì quy mô hợp lý cho phát triển nông nghiệp. Phải tính toán xây dựng các hồ chứa nước ngọt lớn để chủ động nguồn nước trong tương lai.
Phó thủ tướng đề nghị sau khi quy hoạch được phê duyệt cùng quy hoạch chuyên ngành quốc gia, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện ngay.
Tin, ảnh: Trương Hùng