
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Tại điểm cầu tỉnh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cùng tham dự.
Quý I-2022, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá... Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tạo nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 3, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật... tạo điều kiện phục hồi nhanh trong quý I và cả năm 2022.
Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt khá, quý I ước tăng 5,03%, so với cùng kỳ 2021 tăng 4,72%. Đáng chú ý khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Qua đó, tạo niề̀m tin vào các chính sách phục hồi và phát triển KT-XH, kỳ vọng tăng trưởng đạt tích cực trong quý II và cả năm 2022.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2021.
Thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định, đến ngày 25-3 tín dụng tăng 4,63% so với cuối năm 2021; duy trì mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh. Thu ngân sách quý I đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu chi phòng chống dịch, an sinh xã hội, chăm lo đối tượng chính sách.
Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong tháng, ước quý I tăng 12,9% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục mở rộng. Sản xuất nông nghiệp ổn định, làm tốt công tác gieo trồng vụ Đônh Xuân và thu hoạch lúa mùa, phòng chống rét đậm, rét hại, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, giá trị tăng thêm 3 tháng toàn ngành tăng 7,07% so vói cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Tình hình doanh nghiệp rất tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tái gia nhập thị trường trong tháng cao gấp 3 lần doanh nghiệp rút lui, tính chung quý I đạt kỷ lục hơn 60 ngàn doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ, cao nhất trong các quý I từ trước tới nay. Đây là dấu hiệu tăng trưởng tích cực cho năm 2022, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, nước ta cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, có thể tác động đến hiệu quả chính sách hỗ trợ, làm chậm lại đà tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022-2023.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành chủ động theo dõi, dự báo tình hình, có phương án điều hành đồng bộ, linh hoạt, kịp thời theo biến động của kinh tế vĩ mô, lạm phát, cân đối lớn về năng lượng, lao động, việc làm, đầu tư...; quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, phấn đấu đạt, vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đề ra.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Kết quả đạt được trong quý I-2022 khá toàn diện. Sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các địa phương rất đáng trân trọng trong bối cảnh chung. Sự phối hợp giữa các địa phương với nhau và giữa địa phương với các bộ, ngành Trung ương tốt hơn.
Chỉ đạo thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cần chọn trọng tâm, trọng điểm trên tất cả các lĩnh vực để công tác lãnh đạo, điều hành hiệu quả hơn, góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân. Tăng cường tính tự lực, tự cường hơn nữa của mỗi địa phương. Tập trung 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả chương trình phòng chống dịch Covid-19, chương trình phục hồi phát triển nhanh và bền vững, các nghị quyết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao sức cạnh tranh chống chịu của các ngành kinh tế trong điều kiện hiện nay, đẩy mạnh chuyển đổi số…
Tin, ảnh: C. Trúc