Hội nghị trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

05/06/2020 - 19:28

BDK.VN - Ngày 5-6-2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập chủ trì điểm cầu Bến Tre.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập chủ trì điểm cầu Bến Tre.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập chủ trì điểm cầu Bến Tre.

Hiệp định EVFTA được ký kết ngày 30-6-2019 và đang được trình Quốc hội phê chuẩn. Đây là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, được kỳ vọng sẽ tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế theo hướng tích cực, giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU.

Thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả. Từ năm 2000 đến năm 2019, trao đổi thương mại song phương Việt Nam - EU đã tăng gần 13,8 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD).

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, Hiệp định EVFTA mang lại cho kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội và cả những thách thức. Người tiêu dùng sẽ được đón nhận sản phẩm rẻ hơn do được miễn thuế hải quan; chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện; người lao động sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn do các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất, xuất khẩu...

Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam có cơ hội thu hút thêm đầu tư từ các nước EU. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tạo thêm lợi thế cạnh tranh trong khối ASEAN và thế giới khi tham gia vào các chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, EU là một thị trường rất khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Khi tham gia vào thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức về các rào cản kỹ thuật; sức ép cạnh tranh với hàng hóa của EU; thách thức trước các biện pháp phòng vệ thương mại; thách thức từ cạnh tranh nguồn lao động; các doanh nghiệp Việt Nam chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU…

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao, tiếp thu những ý kiến đóng góp rất rộng và rất sâu sắc của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, địa phương và sẽ giao cho các đơn vị đầu mối của Bộ để phối hợp cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa báo cáo trình Chính phủ và thống nhất định hướng trong ngắn hạn, dài hạn những vấn đề liên quan đến 5 nhóm nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ sẽ rà soát lại các chương trình hành động của các bộ, ngành cũng như của các địa phương để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Bộ sẽ tập trung đẩy nhanh hơn nữa việc phối hợp với EU để sớm đưa hiệp định vào thực hiện và có giải pháp để hỗ trợ hiệu quả cho Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan để thực thi hiệp định. Đồng thời, Bộ cũng sẽ có những chương trình hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp như: Hỗ trợ về kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, quản trị doanh nghiệp, đào tạo nhân lực; hỗ trợ về thị trường, tư vấn pháp luật về tranh chấp thương mại…

Tin, ảnh: An Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN