Hội Nông dân xã Mỹ Thạnh triển khai nhiều dự án sinh kế, thoát nghèo bền vững cho hội viên, nông dân

28/08/2024 - 07:01

BDK - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm Hồ Văn Chí cho biết: Công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã quan tâm sâu sát. Hàng năm, Ban Quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia xã Mỹ Thạnh và Ban phát triển các ấp luôn được củng cố, bổ sung thành viên, phân công rất cụ thể cho các đoàn thể, hội tham gia phụ trách, theo dõi, hỗ trợ từng hội viên trong công tác giảm nghèo, nhờ đó, xã Mỹ Thạnh đã kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo còn 3,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi dê sinh sản ở ấp Bến Đò, xã Mỹ Thạnh (Giồng Trôm).

Theo Chủ tịch HND xã Mỹ Thạnh Hồ Văn Chí, công tác hội và phong trào nông dân trong 9 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, riêng đối với mặt công tác về cuộc vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả, cùng với vai trò và trách nhiệm được giao thực hiện công tác giảm nghèo, HND xã đã triển khai, thực hiện nhiệm vụ và ký giao ước thi đua đến 6/6 chi hội trên địa bàn, xây dựng và triển khai nhiều chương trình, dự án sinh kế, thoát nghèo bền vững cho hội viên nông dân nghèo. Cụ thể, đã tổ chức 2 cuộc sinh hoạt Câu lạc bộ Chăn nuôi dê ấp Bến Đò với nội dung về chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc dê sinh sản và dê thịt. HND xã kiểm tra mô hình chăn nuôi dê đối với hộ tham gia dự án từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và phối hợp cùng với cán bộ giảm nghèo của xã rà soát thống kê hội viên nông dân nghèo và cận nghèo năm 2024. Qua đó, hội đã cam kết nhận, quản lý và hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế cho 6 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo và dự kiến cuối năm 2024, sẽ thoát cận nghèo 3 hộ, chuyển cận nghèo 6 hộ. Riêng về công tác củng cố, xây dựng và duy trì các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, vay vốn từ các tổ vay vốn ưu đãi của các ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh đối với hội viên, nông dân khi có nhu cầu luôn được quan tâm, hỗ trợ tích cực và đạt hiệu quả cao. Trong 9 tháng năm 2024, tổng dư nợ từ ngân hàng chính sách xã hội đạt hơn 1 tỷ đồng, 3 tổ vay vốn đối với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn hoạt động tốt, thu lãi đúng quy định. HND xã tiếp tục nhân rộng các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mang lại hiệu quả cao như mô hình nuôi sâu Canxi, nuôi dê. Củng cố và duy trì, hỗ trợ Hợp tác xã bánh tráng Mỹ Lồng, Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê ấp Bến Đò. 9 tháng năm 2024, phát triển thêm 2 tổ hội nghề nghiệp mua bán nhỏ lẻ ấp Chợ và tổ chăn nuôi thú cưng ở ấp Bến Đò.

Theo ông Hồ Văn Chí, với phương châm “cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” với hội viên, nông dân nghèo, Ban Chấp hành (BCH) HND xã có sự phân công cụ thể từng thành viên trong BCH hội, các chi hội nông dân các ấp phải luôn có sự quan tâm, theo dõi, hỗ trợ tích cực, xây dựng các mô hình sinh kế hiệu quả giúp hội viên nông dân làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Mặt công tác này được quán triệt, vừa là vai trò, trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ trọng tâm của các thành viên, trong công tác rà soát, kiểm tra, xem xét việc đưa hộ hội viên nông dân nghèo vào thực hiện dự án sinh kế phải đúng đối tượng, làm theo nguyện vọng, cam kết làm đúng, phải chí thú và có nghị lực vươn lên thoát nghèo và phải thoát nghèo sau khi triển khai dự án sinh kế. HND xã thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nếu như hộ hội viên nông dân nào không thực hiện đúng cam kết, BCH hội sẽ bắt buộc viết cam kết, cụ thể, hội vừa buộc 2 hộ viết cam kết trong vòng 20 ngày phải thực hiện đúng với những quy định của dự án hỗ trợ sinh kế chăn nuôi dê sinh sản mà hội vừa triển khai thực hiện với 15 hộ hội viên nông dân nghèo tham gia. Hiện nay, HND xã Mỹ Thạnh đã và đang xây dựng, trình phê duyệt dự án hỗ trợ sinh kế mua bán nhỏ với 10 hộ tham gia. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình chăn nuôi dê sinh sản của ấp Bến Đò. Đây là một mô hình sử dụng nguồn vốn nhỏ nhưng rất hiệu quả được triển khai từ năm 2019 với 12 hộ tham gia ban đầu, đến nay, đã chuyển giao và nhân rộng cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn ấp.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN