Hội thảo tìm giải pháp phục hồi cây trồng sau hạn mặn

11/06/2020 - 20:04

BDK.VN - Ngày 11-6-2020, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp khắc phục cây trồng trước, trong và sau hạn mặn năm 2020”. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam, đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân các huyện, thành phố tham dự. Hội thảo tập trung các giải pháp giúp nông dân khôi phục lại vườn cây trái sau hạn mặn và chia sẻ kinh nghiệm trồng cây trong mùa hạn mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng bằng khen cho đại diện Công ty Biwase hỗ trợ tỉnh Bến Tre khắc phục hạn mặn, khôi phục cây trồng.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng bằng khen cho đại diện Công ty Biwase hỗ trợ tỉnh Bến Tre khắc phục hạn mặn, khôi phục cây trồng.

Chăm sóc cây bưởi

Đợt hạn mặn vừa qua đã gây thiệt hại khá lớn đối với ngành nông nghiệp và đời sống người dân. Ước thiệt hại ban đầu trên lĩnh vực trồng trọt khoảng 1.448 tỷ đồng; trong đó, cây lúa 5.287ha, thiệt hại 18 tỷ đồng; rau màu 168ha, thiệt hại 22 tỷ đồng; cây ăn trái 28 ngàn ha bị ảnh hưởng, thiệt hại 1.250 tỷ đồng; cây dừa giảm giá trị lợi nhận từ 10 - 15%, thiệt hại 138 tỷ đồng; 600ha cây giống, 1,2 triệu hoa kiểng, thiệt hại 18 tỷ đồng… Có 87 ngàn hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt.

Để khắc phục cho vườn cây trái sau hạn mặn, ông Vương Thành Công - Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi, xã An Hiệp, huyện Châu Thành cho biết: Tổ canh tác 33ha. Trước hạn mặn, tổ thường xuyên thông tin sát tình hình để các thành viên nắm và khẩn trương làm đê bao cục bộ. Đồng thời bón phân hữu cơ vi sinh hoặc hữu cơ hoai mục với liều lượng từ 10 - 12kg, tùy cây lớn nhỏ; vét mương sâu, bồi bùn, để cỏ trong vườn giữ ẩm cho đất. Trong thời gian hạn mặn, kiểm tra độ mặn thường xuyên và chỉ tưới nước cho cây khi độ mặn không quá 2%o. Phun phân bón lá để cây hấp thu qua lá như KNO3-MPK. Nếu cây đang mang trái thì cắt bỏ trái để giảm suy kiệt cho cây.

Trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi da xanh ở Quới Sơn (Châu Thành). ảnh: H. Hiệp

Trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi da xanh ở Quới Sơn (Châu Thành). ảnh: H. Hiệp

Sau hạn mặn, vét mương khai thông nước, rửa phèn tích tụ trong đất. Dùng cuốc xới nhẹ chung quanh gốc nhằm tạo thông thoáng cho bộ rễ, để rễ hấp thu dinh dưỡng tốt, giúp cây mau phục hồi qua thời gian dài gặp điều kiện bất lợi. Đối với vườn bưởi đã bị nhiễm mặn cần tưới nước liên tục khoảng 5 - 7 ngày, với lượng nước đủ lớn để rửa trôi lượng muối tích tụ trong đất, giúp bộ rễ sớm phục hồi. Việc rửa mặn phải qua nhiều mùa, nếu lượng nước ít thì nên phun với tia nước nhỏ để làm tăng độ thấm của nước vào đất.

Bón vôi là biện pháp cần thiết để giải phóng Na+ ra khỏi keo đất, tạo thuận lợi cho việc rửa mặn, liều lượng khoảng 300 - 500kg/ha. Trên chân đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón vôi loại nung đỏ, vừa rửa mặn vừa hạ phèn. Nếu đất mặn không có phèn, có thể bón vôi thạch cao và bón sau khi tưới nước vài ngày. Sử dụng phân hữu cơ hoai mục để tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển. Khi cây ra đọt non đến khi lá già xanh tốt thì bộ rễ đã phục hồi, lúc này có thể chăm sóc và bón phân lại bình thường, nên bổ sung các dinh dưỡng trung vi lượng. Sau khi thực hiện các giải pháp trên sẽ giúp cây phục hồi nhanh và phát triển tốt.

Sầu riêng, chôm chôm

Sau hạn mặn, nhiều vườn sầu riêng chết hàng loạt, nhưng đối với vườn sầu riêng 0,6ha với 100 gốc của hộ ông Lê Hoàng Phục, xã Tân Phú, huyện Châu Thành thì ít bị ảnh hưởng. Bởi trong thời gian hạn mặn, ông sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, bón phân hữu cơ cho cây, phun thuốc ngừa sâu rầy theo đúng định kỳ 7 - 10 ngày/lần. Ông tuyệt đối không bón phân hóa học. Ông chịu khó cắt tỉa những cành già yếu, cành che khuất, để giảm bớt lá trên cây. Tăng cường gom cỏ, rác mục để phủ kín mặt mô nhằm giữ ẩm. Khi hết mặn, tưới pH liều lượng 10 cây/1 lít, rải vôi đáy mương liều lượng 80kg/1.000m3, cho nước ngọt vô mương để rửa mặn, phèn. Sau 2 tuần tiếp tục bón phân hữu cơ, NPK. Kết quả, cây sầu riêng phục hồi tốt, cành to khỏe và phát triển bình thường.

Vườn sầu riêng ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành. Ảnh: C.Trúc

Vườn sầu riêng ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành. Ảnh: C.Trúc

Ông Phục cho biết: “Hàng năm, khi bước sang mùa khô, cần theo dõi chặt chẽ thông tin từ báo, đài về diễn biến hạn mặn. Dùng các biện pháp giữ ẩm cho mô cây; chủ động trữ nước trong mương vườn, xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt. Chủ động loại bỏ trái, bông, kiểm tra nghiêm ngặt nước khi tưới cho cây”.

Ông Võ Tấn Truyền, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, cho biết, gia đình ông  có 0,5ha đất, với 80 cây chôm chôm 20 năm tuổi. “Khi nghe có thông tin mặn xâm nhập, tôi cho nước vào mương vườn đầy rồi đậy nắp cống lại để trữ nước. Tôi tưới lượng nước vừa đủ vào vườn để vừa tiết kiệm nước, vừa giữ ẩm cho đất, cứ 3 - 4 ngày tưới 1 lần. Để vườn cây phục hồi tốt sau hạn mặn, cần rửa mặn tích tụ trong đất bằng cách khai thông mương rãnh và tưới nhiều nước. Đối với vườn cây bị nhiễm mặn thì tưới nước liên tục khoảng 5 - 7 ngày. Không bón phân hóa học mà bón phân hữu cơ để cải tạo đất, làm đất tơi xốp, giữ ẩm tạo điều kiện cho hệ thống rễ phục hồi nhanh và cung cấp dinh dưỡng cho một số loài vi sinh vật có lợi trong đất phát triển” - ông Võ Tấn Truyền chia sẻ.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, trong thời gian tới, cần huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phòng chống hạn mặn, góp phần tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Tập trung chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho người dân. Tổ chức tập huấn cho người dân các giải pháp kỹ thuật chăm sóc vườn cây sau hạn mặn. Về lâu dài, cần thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với từng vùng, địa phương và chống chịu được với tình hình hạn mặn ngày càng gay gắt. Từng bước xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng cao, hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Bố trí lịch thời vụ phù hợp.

Phát biểu tại hội thảo, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam cho rằng: Hạn mặn ngày càng khốc liệt hơn, nước ngọt ngày càng ít đi do biến đổi khí hậu khó lường. Do đó, cần có giải pháp thích ứng. Phải có sự chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn. Sau hạn mặn dùng phân gì, kỹ thuật gì… là vấn đề đặt ra đối với nhà vườn. Từng nhà vườn phải tính toán thật kỹ việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, các biện pháp kỹ thuật mới.

Bên cạnh đó, cần có sự trợ giúp của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương. Bởi hạn mặn đồng bằng sông Cửu Long và Bến Tre năm 2020 diễn ra khốc liệt, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tỉnh sẽ kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ nên có chính sách miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư khôi phục lại kinh tế sau hạn mặn, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đề nghị cần có gói tín dụng ưu đãi cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Bến Tre nói riêng để người dân đầu tư khôi phục lại vườn cây, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện hạn mặn.

Hữu Hiệp (ghi)

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN