Hợp tác công tư trong sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp

05/06/2012 - 15:46

Hợp tác công tư (PPP) là mô hình Nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng ký một hợp đồng để phân chia lợi ích, rủi ro cũng như trách nhiệm của mỗi bên trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp một dịch vụ công hay một lĩnh vực nào đó. Đây là hình thức được áp dụng nhằm thu hút nguồn lực tài chính, quản lý và công nghệ từ tư nhân. Mô hình này đang được thực hiện thí điểm trong cả nước, từ ngày 15-1-2011, theo Quyết định 71/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Ứng dụng hình thức hợp tác công tư cũng là một trong các khuyến nghị của Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) khi tài trợ thực hiện Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP) tại Bến Tre. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thời gian qua hình thức hợp tác này chưa được triển khai ở các xã Dự án. Năm nay, Ban Quản lý Dự án DBRP Bến Tre quyết tâm triển khai hình thức hợp tác công tư bằng việc lựa chọn một số nhóm hợp tác điển hình để xây dựng mô hình trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án DBRP Bến Tre cùng với doanh nghiệp (DN), nhóm hợp tác đã bàn giao trang thiết bị, cây giống theo thỏa thuận ký kết hợp tác công tư . Đó là các mô hình: kiểng lá ở xã Long Thới (Chợ Lách), may gia công ở xã Tân Phú (Châu Thành) và xã Thạnh Trị (Bình Đại), rau an toàn ở xã Hưng Nhượng (Giồng Trôm). Dù chỉ với quy mô nhỏ, nhưng đây là hình thức hợp tác lần đầu được thực hiện tại tỉnh.

Gắn kết với DN địa phương bao tiêu sản phẩm đầu ra, tạo điều kiện cho tổ hợp tác kiểng lá tiếp cận với kỹ thuật trồng, chăm sóc thông qua tập huấn trực tiếp từ DN là mục tiêu hướng đến của mô hình kiểng lá Long Thới. Tổ hợp tác này có 15 hộ nghèo. Khi tham gia mô hình, các hộ nghèo góp 30% vốn, phần còn lại do Dự án hỗ trợ. Ông Đặng Văn Thanh - Chủ DN Thanh lá nghệ thuật cho biết, DN “đối ứng” bằng hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân và bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, DN này đang tiêu thụ sản phẩm kiểng lá khá mạnh tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội và có một số hợp đồng xuất khẩu sang Úc và Nhật Bản.

Cũng gắn kết với DN để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân, mô hình hợp tác công tư của Dự án DBRP được thực hiện với DN Thiên Tứ Phát (Phú Tân, TP. Bến Tre) và tổ hợp tác trồng màu Hưng Nhượng. Trong phần vốn đầu tư xây dựng mô hình rau an toàn (trên 242 triệu đồng), nông dân góp trên 124 triệu đồng, phần còn lại do Dự án DBRP hỗ trợ; riêng việc xây dựng nhà xưởng, DN Thiên Tứ Phát đầu tư 350 triệu đồng, Dự án hỗ trợ trên 54 triệu đồng để trang bị một số dụng cụ như: bồn rửa, bao bì, máy xử lý ôzon, máy ly tâm, máy lạnh… Đây được xem là mô hình đầu tư bài bản nhất, được thực hiện theo hướng xây dựng và cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kết nối DN thu mua theo chuỗi giá trị, giúp tiêu thụ sản phẩm ổn định, giảm chi phí trung gian. Đây cũng là mô hình điểm của Dự án để nhân rộng, chuyển giao cho các tổ, nhóm hợp tác khác.

Cùng với mô hình sản xuất nông nghiệp, hợp tác công tư còn được Dự án DBRP thực hiện với hai nhóm hợp tác may gia công ở các xã: Tân Phú và Thạnh Trị. Dự án hỗ trợ kết hợp với cơ sở đầu tư thêm máy may cho công nhân (mỗi bên góp vốn theo tỷ lệ 50 - 50). Sự hợp tác này giúp tăng thu nhập và giải quyết việc làm nhàn rỗi cho nhiều hộ nghèo nông thôn, nhất là phụ nữ nghèo.

Có 5 hình thức phổ biến của mô hình hợp tác công tư: nhượng quyền khai thác; thiết kế - xây dựng - tài trợ - vận hành; xây dựng - vận hành - chuyển giao; xây dựng - chuyển giao - vận hành; xây dựng - sở hữu - vận hành. Các mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp do Dự án DBRP thực hiện dù chỉ với quy mô rất nhỏ, nhưng đã thực hiện được mối dây gắn kết giữa Nhà nước (Dự án) - doanh nghiệp - nông dân. Nông dân hình thành được thói quen sản xuất sản phẩm thị trường cần, an toàn, chất lượng, đồng thời DN kết nối được với nông dân để bao tiêu sản phẩm đầu ra là mong muốn của cả người sản xuất và kinh doanh với bất kỳ sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp nào hiện nay.

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN