Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Định Thủy, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam thành lập đầu tháng 11-2017, bắt đầu đi vào hoạt động vào đầu quý II-2018. HTX có 185 thành viên, trong đó 75% là nông dân trồng dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam. Với vốn ban đầu 370 triệu đồng, HTX hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực thu mua dừa trái, sơ chế sản phẩm dừa, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dừa với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới.

Công nhân sơ chế dừa tại Hợp tác xã Nông nghiệp Định Thủy (Mỏ Cày Nam).
Hỗ trợ cho nông dân
Tính đến tháng 8-2018, toàn huyện Mỏ Cày Nam có gần 17 ngàn héc-ta dừa, trong đó, diện tích thu hoạch gần 15 ngàn héc-ta, sản lượng hàng năm đạt trên 150 triệu trái, kênh tiêu thụ chủ yếu thông qua các thương lái trong và ngoài huyện. Có 2 doanh nghiệp trong tỉnh liên kết tiêu thụ sản phẩm dừa là Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới và Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu. Chuỗi giá trị cây dừa cùng với chuỗi giá trị con heo là một trong 2 chuỗi giá trị quan trọng được huyện tập trung xây dựng, thực hiện theo Nghị quyết số 03/NQ-TU về xây dựng chuỗi giá trị. Cùng với 3 HTX khác cùng kinh doanh, sản xuất theo chuỗi giá trị cây dừa, HTX Nông nghiệp Định Thủy thành lập đã góp phần tạo đầu vào, đầu ra ổn định cho nhiều nông dân trồng dừa và người sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm từ dừa trên địa bàn.
HTX mua dừa của xã viên không qua trung gian, đồng thời bán phân bón hữu cơ cho nông dân với giá rẻ hơn bên ngoài. HTX hợp đồng mua bán với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới 2 sản phẩm là cơm dừa trắng với giá 8.200 đồng/kg và phần da dừa. Các sản phẩm còn lại như nước dừa, gáo, vỏ, xơ dừa đều được các doanh nghiệp, cơ sở các ngành nghề khác thu mua, phục vụ cho sản xuất. Riêng những chiếc gáo dừa đẹp sẽ được chọn lọc để bán cho các cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ. Trung bình mỗi ngày, công nhân làm việc tại HTX sơ chế từ 7 - 8 ngàn trái dừa, cho ra thành phẩm từ 2,5 - 3 tấn cơm dừa trắng. Từ khi hoạt động đến nay, doanh thu hàng tháng của HTX đạt khoảng 600 triệu đồng.
Ông Đặng Trúc Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Định Thủy cho biết: “Trong quá trình vận động tham gia HTX, nhiều người dân còn e ngại tham gia do chưa hiểu về những chính sách, quy định mới cũng như lợi ích khi tham gia HTX. Cũng có một bộ phận còn e dè, chưa dám đầu tư vì muốn thấy hiệu quả thực tế”.
Chị Bùi Thị Mai, một xã viên cho biết: “Tham gia HTX, bản thân tôi thấy mình được nhiều lợi ích. Trước hết là nếu mình có nhu cầu về chăm sóc vườn dừa thì HTX sẽ hướng dẫn về kỹ thuật cho mình. Thứ hai là khi mình bán dừa thì HTX tiến hành thu mua tại chỗ cho mình. HTX mua dừa đúng giá thị trường, người nông dân không bị ép giá hoặc bán lỗ do không nắm giá thị trường, được đảm bảo đầu ra của trái dừa”. Được biết, vườn dừa của chị Mai có diện tích khoảng 3 công đất, trồng xen dừa xiêm xanh và các loại dừa khác. Hiện gia đình đang có định hướng trồng mới, thay nhiều cây dừa lão.
Mạnh dạn làm du lịch vườn
Nói về hướng phát triển của HTX, ông Đặng Trúc Phương cho biết: “Hiện tại về kinh doanh sản phẩm dừa sơ chế, chúng tôi chỉ mới thực hiện được các khâu lột vỏ, tách riêng nước, cơm, da, gáo, vỏ, xơ dừa và bán những sản phẩm này. Đối với phần xơ dừa, có thể sơ chế thêm nhiều công đoạn khác để bán được giá hơn. Chúng tôi có định hướng vay vốn để đầu tư trang thiết bị sơ chế xơ dừa”.
Một tín hiệu vui khác rất đáng chú ý là HTX Nông nghiệp Định Thủy là HTX đã mạnh dạn đầu tư, phát triển du lịch ngay tại xã nhà. Theo ông Trúc Phương, hiện HTX đã ký hợp đồng với Công ty du lịch SCIVI ở TP. Hồ Chí Minh xây dựng tour du lịch vườn dừa ở huyện Mỏ Cày Nam. Công ty du lịch SCIVI cũng đã góp cổ phần vào HTX, điều hành riêng về hoạt động du lịch. HTX sẽ chịu trách nhiệm lo địa bàn, chuẩn bị điểm đến, vận động xã viên tham gia.
Ông Đặng Trúc Phương phấn khởi nói: “Chúng tôi và phía công ty đã hoàn thành việc ký hợp đồng, cũng đã xây dựng được các điểm dừng chân ở nhà xã viên, sẽ sớm đón khách trong tháng 10-2018”. Hiện có khoảng 10 hộ xã viên trên địa bàn xã Định Thủy có vườn dừa đồng ý tham gia thử sức làm du lịch. Một xã viên mới gia nhập đã mạnh dạn góp 1 chiếc tàu để làm du lịch. Chiếc tàu này đang trong quá trình nâng cấp, chỉnh trang để đảm bảo chất lượng, yêu cầu trong đưa đón khách.
Công ty du lịch SCIVI cũng hỗ trợ kinh phí giúp các xã viên có tham gia khai thác du lịch chỉnh trang vườn, nhà vệ sinh, bến, cầu tàu để đón khách cho chu đáo hơn. “Ban đầu khi nói đến khai thác du lịch, chúng tôi cũng e dè vì nghĩ, xứ mình có cảnh quan gì đặc biệt đâu mà làm du lịch. Tuyên truyền, vận động người dân phải nói từ thực tế cho bà con thấy thì mới đạt hiệu quả. Mong rằng, bước đầu hoạt động sẽ có những kết quả tốt, từ đó tạo động lực thu hút nhiều xã viên khác cùng tham gia”, ông Trúc Phương kỳ vọng.
Chị Bùi Thị Mai cho biết: “Khi trực tiếp tham gia vào HTX, hiểu được chủ trương, chính sách thì tích cực vận động cho bà con hiểu, mở rộng nhiều thành viên. Đem quyền lợi mà chính mình có được để nói cho bà con. Điều phấn khởi là qua vận động, hiện nay đã có nhiều người dân khi thấy HTX hoạt động bước đầu có sự ổn định, hiệu quả đã có dự định đăng ký tham gia HTX. Hy vọng sau thời gian hoạt động ổn định, HTX có thể mở rộng thêm nhiều lĩnh vực hơn”.
Bài, ảnh: Thanh Đồng