Hợp tác xã nông nghiệp xã Châu Hòa: Góp phần gia tăng chuỗi giá trị dừa

30/08/2019 - 08:22

BDK - “Hiện nay, nhiều nơi giá dừa đứng ở mức 30 - 35 ngàn đồng/chục (12 trái) nhưng bà con trồng dừa là xã viên của Hợp tác xã nông nghiệp xã Châu Hòa (HTX) rất yên tâm vì giá dừa được HTX thu mua ổn định khoảng 50 ngàn đồng/chục. Với mức giá này, xã viên có cuộc sống ổn định”, ông Phạm Quang Đằng - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết.

Dừa uống nước xã Châu Hòa (Giồng Trôm).

Dừa uống nước xã Châu Hòa (Giồng Trôm).

Góp vốn 1,5 tỷ đồng

Đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của bà con trồng dừa ở địa phương, ngày 24-3-2019, HTX nông nghiệp xã Châu Hòa ra đời với sự tham gia tự nguyện của 371 xã viên, nguồn vốn đóng góp ban đầu lên đến 1,5 tỷ đồng. Đây là một trong những HTX có nguồn vốn đóng góp của xã viên cao, ít nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 200 triệu đồng/thành viên. “Dù HTX chỉ mới đi vào hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhưng đã nhanh chóng đi vào nền nếp và nhận được sự tin tưởng của các xã viên. Hiện nay, bà con đang xây dựng mô hình “Vườn dừa hữu cơ” nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cả dừa khô và dừa xiêm” - Chủ tịch UBND xã Châu Hòa Lê Duy Khanh cho biết.

Châu Hòa có tổng diện tích dừa khá lớn với hơn 1.600ha và thương hiệu “Dừa Châu Hòa” vốn đã nổi tiếng trong vùng với chất lượng cao. Hiện HTX gần như thu mua hết nguyên liệu dừa của các xã viên để xuất đi thị trường các tỉnh, nhất là dừa xiêm xanh đang được tiêu thụ khá mạnh. Bình quân mỗi ngày xuất đi bằng xe container từ 30 - 50 ngàn trái. Hơn tháng trước, giá dừa xiêm lên đến 140 ngàn đồng/chục, bà con rất phấn khởi. “HTX đang tiếp tục làm việc với hai công ty dừa lớn của tỉnh là Betrimex và Lương Quới để tìm đầu ra cho sản phẩm được nhanh hơn. Riêng với việc xây dựng mô hình “Vườn dừa hữu cơ” thì đầu ra thuận lợi hơn, giá cả cũng cao hơn vì đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu” - Chủ nhiệm HTX Phạm Quang Đằng cho biết.

Ngày càng phát triển    

HTX nông nghiệp Châu Hòa với đầy đủ bộ phận, cán bộ quản lý có trình độ văn hóa đạt chuẩn - có 3 kỹ sư và kế toán, có trình độ đại học và cao đẳng. HTX có nhà xưởng, phương tiện vận chuyển và 5 công nhân lao động (bình quân mỗi nhân công được trả lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng). Chủ nhiệm HTX Phạm Quang Đằng cho biết, ngoài việc thu mua dừa nguyên liệu của các xã viên, HTX còn trực tiếp liên hệ, làm đầu mối nhận và cung cấp phân bón cho bà con với giá ưu đãi, giúp bà con giảm nhiều chi phí đầu tư.

Dù mới đi vào hoạt động nhưng với việc tổ chức, bố trí, sắp xếp cán bộ phụ trách có trình độ chuyên môn, có năng lực và tinh thần trách nhiệm, hết lòng với sự phát triển của HTX nên việc vận hành ban đầu của HTX diễn ra rất thuận lợi. “Theo tôi, để HTX nông nghiệp vận hành và hoạt động có hiệu quả thì yếu tố con người là rất quan trọng - có tâm huyết với HTX, có trình độ chuyên môn, có năng lực điều hành, quản lý và mối quan hệ trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ” - Chủ nhiệm HTX Phạm Quang Đằng cho biết thêm.

Theo ông Đằng, với những kết quả ban đầu đạt được cùng với sự phấn khởi của bà con trồng dừa trên địa bàn xã nhà, chắc chắn trong thời gian tới, số lượng xã viên tham gia HTX sẽ ngày càng tăng lên, vấn đề nhà xưởng sơ chế, nhân công lao động, phương tiện vận chuyển, con người tham gia quản lý… là vấn đề mà HTX cũng đã nghĩ đến. Hiện nay, mặt bằng, nhà xưởng, văn phòng làm việc, phương tiện vận chuyển… của HTX còn nhỏ hẹp, thô sơ. Cao điểm thu mua và giao hàng, HTX gần như thiếu nhân công.

Điều quan tâm hơn nữa, HTX đã và đang xây dựng các mô hình canh tác dừa đạt chuẩn “Vườn dừa hữu cơ”, bà con cũng rất thích chăm sóc dừa theo mô hình này vì các công ty, doanh nghiệp thu mua giá cao. Chú Đỗ Ngọc Sáu - ấp Phú An, người có tham gia mô hình “Vườn dừa hữu cơ” cho biết, khâu chăm sóc dù có cực hơn chút nhưng sản phẩm được HTX bao tiêu với giá cao so với thị trường.

Bài, ảnh:  Hoàng Như Ngọc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN