Hungary đe dọa phủ quyết lệnh trừng phạt Nga khiến EU lo lắng

25/01/2025 - 20:11

EU lo ngại khi Hungary tuyên bố khả năng phủ quyết lệnh trừng phạt Nga, gây áp lực lớn lên chính sách đối ngoại của khối.

Cờ của Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: IRNA/TTXVN

Cờ của Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo Politico ngày 24-1, khi thời hạn quan trọng sắp kết thúc vào tuần tới, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và các quan chức khác của nước này đã nêu ra viễn cảnh phủ quyết lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, một động thái sẽ làm đảo lộn chính sách đối ngoại của khối.

Cụ thể, các nhà ngoại giao và quan chức tại Brussels đang nín thở chờ đợi để tìm hiểu xem liệu lời lẽ ngày càng chỉ trích của Thủ tướng Orbán đối với các lệnh trừng phạt của EU có chuyển thành quyền phủ quyết có thể đảo ngược chính sách của khối này đối với Nga hay không, sớm nhất là vào tuần tới.

Kể từ tháng 2-2022, khối này đã áp dụng lệnh cấm toàn diện đối với hoạt động thương mại với Nga trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ, tài chính, hàng xa xỉ, vận tải, cùng nhiều lĩnh vực khác. EU cũng đóng băng 210 tỷ euro tài sản của ngân hàng trung ương Nga trong khối, nguồn tiền được sử dụng để hỗ trợ khoản vay trị giá nhiều tỷ euro cho Ukraine.

Tất cả những điều đó có thể sớm bị đặt dấu hỏi. Các hạn chế, được thiết kế để làm tê liệt khả năng cung cấp nguồn lực tài chính để duy trì cuộc xung đột của Nga vào Ukraine, cần phải được gia hạn 6 tháng một lần theo sự nhất trí, và thời hạn tiếp theo là ngày 31-1.

Trong những ngày gần đây, Thủ tướng Orbán và các cấp phó của ông đã gia tăng những lời lẽ gay gắt chống lại chế độ trừng phạt, lập luận rằng lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người muốn đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đòi hỏi khối này phải xem xét lại lập trường lâu nay của mình.

"Vấn đề gia hạn lệnh trừng phạt hiện đang được đưa vào chương trình nghị sự, và tôi đã 'kéo phanh tay' cũng như yêu cầu các nhà lãnh đạo châu Âu hiểu rằng điều này không thể tiếp tục", Thủ tướng Hungary phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh nước này ngày 24-1.

Một trong những bộ trưởng trong chính phủ của ông Orbán, Gergely Gulyás, đã công khai đặt câu hỏi về việc gia hạn 6 tháng một lần: "Cho đến nay, mọi người đều coi việc gia hạn lệnh trừng phạt là tự động, nhưng chúng tôi không nghĩ rằng nó là tự động ngay bây giờ".

Những bình luận đó đã làm dấy lên lo ngại rằng Hungary sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn việc gia hạn, gây ra sự sụp đổ của chế độ trừng phạt được xây dựng công phu trên 15 gói, và tước đi của EU công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc đối đầu với Điện Kremlin.

"Rõ ràng là nếu Budapest chặn, chúng ta sẽ gặp phải vấn đề lớn. Budapest đang đùa với lửa", một nhà ngoại giao cấp cao EU nói với điều kiện giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề, cho biết. 

Nhà ngoại giao EU trên mô tả tình hình chính trị là "không thể tin nổi" khi xét đến điều kiện chiến trường khốc liệt mà lực lượng Ukraine phải đối mặt, và dự đoán EU sẽ rơi vào "lãnh địa chưa từng được khám phá" nếu các lệnh trừng phạt theo từng lĩnh vực bị sụp đổ chỉ sau một đêm.

Một số nhà ngoại giao EU tiết lộ rằng cuộc thảo luận kín giữa các đại sứ của khối hôm 24/1 chỉ làm tăng thêm sự không chắc chắn, vì đại diện Hungary vẫn giữ thái độ mơ hồ về lập trường của mình.

Thay vào đó, Hungary yêu cầu thay đổi chương trình nghị sự của cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao EU vào ngày 27-1 tới, để cho phép vấn đề gia hạn lệnh trừng phạt, vốn thường được thông qua mà không có bất kỳ sự phản đối nào, được tranh luận công khai sau một cuộc thảo luận riêng về vấn đề hỗ trợ Ukraine.

Một nhà ngoại giao EU khác cho biết, đại diện phía Hungary cũng đưa ra một số yêu cầu liên quan đến chính sách năng lượng, đặc biệt là quyết định gần đây của Kiev về việc chấm dứt việc vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine.

Quyết định do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra nhằm ngăn chặn Moskva kiếm được "hàng tỷ USD", đã vấp phải phản ứng dữ dội từ Hungary và Slovakia, hai quốc gia không giáp biển vẫn mua nhiên liệu hóa thạch của Nga. Đầu tháng này, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã đe dọa sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình để trả đũa.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Orbán đã chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa việc gia hạn lệnh trừng phạt và tranh chấp khí đốt, đồng thời yêu cầu Ủy ban châu Âu can thiệp theo hướng có lợi cho Hungary.

Ủy ban châu Âu cho biết họ "không quan tâm" đến việc kéo dài thời gian vận chuyển khí đốt của Nga.

"Những gì hiện đang đóng cửa phải được mở lại. Đây không phải là vấn đề của Ukraine, mà là vấn đề của châu Âu, vấn đề của Trung Âu. Nếu Ukraine muốn được giúp đỡ, ví dụ như trừng phạt Nga, thì hãy mở lại các tuyến đường vận chuyển khí đốt và cho phép các nước Trung Âu, bao gồm cả Hungary, nhận được lượng khí đốt mà chúng tôi cần thông qua Ukraine", Thủ tướng Orbán nêu rõ.

Mối liên hệ giữa hai vấn đề này khiến các nhà ngoại giao phải đau đầu, cố gắng tìm hiểu xem mối đe dọa mới nhất thực sự nghiêm trọng đến mức nào. Thủ tướng Orbán trước đây đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để đưa ra những nhượng bộ, nhưng chưa bao giờ gây ra tác động mạnh như vậy đối với các lệnh trừng phạt.

Trong bối cảnh đó, sự hồi hộp ở EU có thể sẽ kéo dài, ít nhất là cho đến khi các bộ trưởng ngoại giao họp vào ngày 27-1 và đại diện của Hungary, Ngoại trưởng Péter Szijjártó, công bố lập trường của Budapest. Các nhà ngoại giao suy đoán rằng, bất chấp những lời lẽ gay gắt, Ngoại trưởng Szijjártó sẽ lùi bước nếu ông có thể đảm bảo được sự hỗ trợ mới của EU cho nhu cầu năng lượng của Hungary. Điều này sẽ mở đường cho việc gia hạn được chấp thuận, nếu không phải vào ngày 27-1 tới thì ít nhất cũng là trước khi kết thúc tháng này.

"Chúng tôi mong đợi một kết quả tích cực từ cuộc thảo luận đó. [Các biện pháp trừng phạt] là một phần quan trọng trong chiến lược của chúng tôi", một quan chức cấp cao của EU cho biết. Khi được hỏi liệu Brussels đã soạn thảo Kế hoạch B hay chưa, vị quan chức này nói: "Chúng tôi không hình dung ra khả năng nào khác ngoài việc kế hoạch này sẽ được chấp thuận trong những ngày tới".

Một yếu tố chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc thảo luận này là những bình luận mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump. "Nếu chúng ta không sớm đạt được thỏa thuận, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng mức thuế, thuế quan và lệnh trừng phạt cao đối với bất kỳ mặt hàng nào mà Nga bán cho Mỹ và nhiều quốc gia tham gia khác", ông Trump nói.

EU hiện đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 16 đối với Nga, với mục đích phê duyệt trước ngày đánh dấu 3 năm nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine vào cuối tháng 2-2025.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN