Hướng dẫn doanh nghiệp hoạt động theo Chỉ thị số 19/CT-TTg

30/09/2021 - 07:03

BDK.VN - Ngày 29-9-2021, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Nhiên vừa ký ban hành Công văn số 2489 về “Hướng dẫn doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Chỉ thị số 19/CT-TTg” đối với các DN hoạt động bên ngoài các khu công nghiệp tỉnh. Hướng dẫn nêu rõ các điều kiện hoạt động của DN, cũng như các hoạt động thu mua, mua vận chuyển hàng hóa trong tình hình mới.

Lao động tuân thủ quy định phòng chống dịch trong sản xuất.

Lao động tuân thủ quy định phòng chống dịch trong sản xuất.

Các điều kiện hoạt động

Đối với DN đang hoạt động tại địa bàn thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg, các DN được phép hoạt động, trừ các DN kinh doanh trong lĩnh vực karaoke; vũ trường; quán bar; massage; các khu vui chơi giải trí; rạp chiếu phim; thẩm mỹ; hoạt động thể dục thể thao trong nhà, phòng kín trên 4 người chỉ được hoạt động khi có thông báo hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền.

Riêng các DN kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, các hộ gia đình bán thức ăn, giải khát được phục vụ tại chỗ (dưới 20 người, mỗi bàn không quá 4 người, khoảng cách các bàn tối thiểu 2m, đảm bảo “5K” và không sử dụng rượu, bia), khuyến khích bán mang đi.

DN hoạt động phải đảm bảo các điều kiện: tuân thủ nguyên tắc “5K”, khuyến khích DN trang bị kính chắn giọt bắn cho toàn bộ người lao động. DN có sử dụng trên 10 lao động phải thành lập tổ Covid-19 tự giám sát hàng ngày việc tuân thủ phòng, chống dịch Covid-19; mỗi tuần 1 lần tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh và gửi báo cáo cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 xã, phường, thị trấn theo dõi.

Định kỳ 1 tuần/1 lần, DN tự tổ chức xét nghiệm sàng lọc (hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện) bằng phương pháp test nhanh hoặc RT-PCR mẫu gộp ít nhất 20% lao động đang làm việc, ưu tiên xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ cao (tài xế, phụ xế, người giao/nhận hàng...) để tầm soát dịch bệnh Covid-19. DN có thể ký hợp đồng thực hiện với các đơn vị có chức năng chuyên môn (trạm y tế xã, phường, thị trấn, các cơ sở thực hiện dịch vụ xét nghiệm Covid-19). Trường hợp DN tự trang bị dụng cụ, vật tư, sinh phẩm y tế để tổ chức test nhanh, phải có nhân viên phụ trách đã được cơ quan y tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn (trạm y tế, trung tâm y tế huyện, trung tâm y tế dự phòng,...), quá trình thực hiện phải có nhân viên của cơ quan y tế giám sát và hồ sơ lưu trữ để phục vụ kiểm tra, truy vết (danh sách người lao động test nhanh kèm kết quả test, có biên bản xác nhận của doanh nghiệp và nhân viên phụ trách và nhân viên giám sát của cơ quan y tế). Khuyến khích trước khi đón lao động vào làm việc, DN tổ chức xét nghiệm sàng lọc theo phương pháp RT-PCR mẫu gộp cho toàn bộ người lao động.

Trường hợp có ca nhiễm bệnh, DN thực hiện theo Quyết định 2787/QĐ-BYT ngày 5-6-2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.

DN chịu trách nhiệm quản lý nghiêm việc di chuyển của người lao động đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; người lao động phải cam kết trong suốt thời gian lao động (trong và ngoài giờ làm việc) chỉ di chuyển từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại, không tụ tập đông người ngoài phạm vi DN, nếu để lây lan dịch bệnh thì chủ DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hoạt động thu mua, mua vận chuyển hàng hóa

Đối với hoạt động trong tỉnh, tuân thủ nguyên tắc “5K” và giao nhận tại các địa điểm cụ thể hoặc dừng đỗ tại các địa điểm theo hướng dẫn tại Thông báo số 2333/TB-SGTVT (ngày 28-9-2021 của Sở Giao thông vận tải) về việc cập nhật các điểm tập kết, bốc dỡ hàng hóa tạm thời trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Đối với hoạt động liên tỉnh, DN thực hiện bốc dỡ, giao, nhận, tập kết, hàng hóa tạm thời theo Thông báo số 2333/TB-SGTVT; đồng thời tuân thủ theo sự hướng dẫn, quy định của địa phương.

Đối với các loại hàng hóa đặc thù như: hàng hóa có trọng lượng và kích thước lớn, phân bón, vật liệu xây dựng (sắt, thép), các linh kiện điện tử, thức ăn gia súc, gia cầm, dừa trái và hàng hóa thiết yếu khác thì được giao, nhận tại các địa điểm cố định cụ thể và phải thông báo trước với UBND xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn, giám sát và đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

DN yêu cầu người lái xe, phụ xe không rời khỏi xe trong lúc giao nhận hàng hóa (nếu thời gian ngắn) hoặc bố trí khu vực ăn, nghỉ, vệ sinh riêng tạm thời (nếu thời gian dài). DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để tài xế, người theo phương tiện rời khỏi khu vực quản lý hoặc lợi dụng việc vận chuyển hàng hóa để chở người không đúng đối tượng, đi sai lộ trình, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19…

Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND các huyện, thành phố; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện, thành phố tiếp tục phối hợp nắm thông tin tình hình các DN, cơ sở kinh doanh đang hoạt động phải tạm dừng hoặc gặp khó khăn để kịp thời phản ánh tình hình khó khăn, vướng mắc.

Tin, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN