Hướng dẫn hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026

26/02/2021 - 06:47

BDK - Lưu ý, khi tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác.

Ngày 15-1-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất

Theo nghị quyết, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 3-2  đến ngày 17-2-2021.

* Đối với hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử ĐBQH:

- Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử ĐBQH ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triệu tập, chủ trì và được thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

- Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử ĐBQH ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh triệu tập, chủ trì và được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

- Hội nghị thảo luận để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH của cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm số dư người ứng cử, tỷ lệ người ứng cử ĐBQH là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

- Trường hợp không thỏa thuận được vấn đề nào thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 3 - 5 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.

z Đối với hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND:

- Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi cấp do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp triệu tập, chủ trì và được thực hiện theo quy định.

- Hội nghị thảo luận để thống nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), bảo đảm số dư người ứng cử, tỷ lệ người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

- Trường hợp không thỏa thuận được vấn đề nào thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 3 - 5 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.

Ngoài ra, nghị quyết còn quy định thời gian diễn ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai để giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND là từ ngày 15-3 đến 19-3-2021; thời gian diễn ra hội nghị hiệp thương lần thứ ba là từ ngày 14-4 đến 18-4-2021.

Giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND

Việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 24-2 đến 11-3-2021. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử ĐBQH thực hiện việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử ĐBQH theo các bước sau: (1) Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị họp để dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được giới thiệu ứng cử ĐBQH; (2) Tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử; (3) Trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm của hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc (sau đây gọi chung là nơi công tác) của người được dự kiến giới thiệu ứng cử, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử ĐBQH.

Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 24-2 đến 11-3-2021. Người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.

Các bước giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu HĐND thực hiện tương tự như quy trình đối với giới thiệu người ứng cử ĐBQH. Việc giới thiệu người của thôn, tổ dân phố để ứng cử đại biểu HĐND cấp xã được thực hiện theo quy định tại Chương II của Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN