Hướng đến cuộc sống xanh

15/01/2020 - 13:30

BDK - Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc “Nói không với rác thải nhựa”, đồng thời thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về giảm thiểu rác thải nhựa (RTN), ban, ngành, đoàn thể các cấp cũng như người dân trong tỉnh đã đồng thuận cao. Từ đó, tất cả vào cuộc cùng nhau hành động vì cuộc sống xanh, sạch cho hiện tại và mai sau.

Phụ nữ huyện Châu Thành lựa chọn sản phẩm túi nylon thân thiện với môi trường. Ảnh: Phan Hân

Phụ nữ huyện Châu Thành lựa chọn sản phẩm túi nylon thân thiện với môi trường. Ảnh: Phan Hân

Cộng đồng chung tay

Thời gian qua, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động và ra quân các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu RTN. Ngành y tế đã triển khai kế hoạch giảm thiểu RTN theo Chỉ thị số 08 của Bộ Y tế về giảm thiểu RTN ngành y tế, bước đầu đạt kết quả rất khả quan. Ðơn cử như tại Trung tâm Y tế TP. Bến Tre, theo chỉ đạo của ban giám đốc, các khoa đều hạn chế sử dụng đồ nhựa. Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Hân cho biết: “Tập thể thực hiện nghiêm túc việc không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần. Hiện chúng tôi không sử dụng chai nước nhựa tại các cuộc họp, thay vào đó là rót nước vào ly để giảm RTN tại đơn vị”.

Việc hạn chế sử dụng nước uống đóng chai nhựa cũng được các đoàn thể áp dụng. Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động như: Mô hình xách giỏ, túi vải đi chợ; phân loại rác thải tại nhà, ủ rác hữu cơ bằng thùng compost… đạt hiệu quả. Nhiều đơn vị sôi nổi phát động các sáng kiến, cách làm mới như Hội LHPN TP. Bến Tre, Châu Thành đã tiên phong và đang thực hiện mạnh mẽ cuộc vận động tiểu thương sử dụng túi nylon tự hủy sinh học. Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Võ Ái Hòa cho biết: “Các phong trào có sự tiếp nhận tích cực của các hội viên phụ nữ. Ðây là bước khởi đầu thuận lợi để dần hướng đến cuộc sống xanh, thân thiện môi trường”.

Tỉnh Ðoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh cũng đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Vĩnh Thanh ký kết thỏa thuận về chương trình hợp tác bảo vệ môi trường “Ðổi RTN lấy cây xanh”. Trong đó, hai bên thỏa thuận một số nội dung như: Tổ chức tuyên truyền để phát triển cây xanh và giảm RTN góp phần bảo vệ môi trường; hợp tác điều tra, nghiên cứu về nhu cầu, thực trạng, khả năng cung cấp cây xanh và thu nhặt RTN trên địa bàn tỉnh; tổ chức truyền thông phát triển cây xanh, giảm RTN, bảo vệ môi trường chung của cộng đồng…

Huyện Châu Thành là địa phương tiên phong trong phát động trên toàn huyện “chống RTN, hưởng ứng phân loại xử lý rác thải tại nguồn, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường”.

“Gieo” thói quen tốt

Kế hoạch hành động của các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể đã góp phần tác động tích cực đến ý thức cộng đồng dân cư. Ðầu năm 2019, Hội LHTN Việt Nam tỉnh cũng đã cho ra mắt Ðội hình tuyên truyền và bảo vệ môi trường, phát triển từ đội hình CFC - Challenge for Change với sự tham gia của nhiều đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn TP. Bến Tre đã có các hoạt động dọn rác ven bờ sông Bến Tre, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng.

Nhờ sức lan tỏa của các bạn trẻ mà hiện nay một số cửa hàng tại TP. Bến Tre cũng đã thay túi nylon thành vật dụng thân thiện với môi trường. “4 tháng gần đây, chúng tôi hạn chế dùng nắp nhựa, thay quai ly nhựa bằng quai tre”, anh Ðoàn Huy Hoành - chủ quán DOM coffee (Phường 3, TP. Bến Tre) chia sẻ. Theo anh Hoành, để thay thế các sản phẩm nhựa cũng cần có thời gian và sự nhiệt tình hưởng ứng của các quán, cơ sở.

Một bộ phận giới trẻ, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang dùng các vật liệu thân thiện với môi trường như: ống hút giấy, ống hút gạo, ống hút dừa để thực hành sống xanh. Giới văn phòng bắt đầu mang bình nước bằng thủy tinh, inox để góp phần hạn chế các chai nước suối nhựa thải ra môi trường.

Chị Trương Thị Kim Xuyến - tiểu thương tại chợ Cầu Bà Mụ (phường Phú Khương, TP. Bến Tre) hiện nay đã sử dụng túi nylon tự phân hủy để đựng sầu riêng cho khách, trung bình khoảng 40 túi/ngày. Theo chị Kim Xuyến, sử dụng túi nylon tự phân hủy giá cả cao hơn một chút nhưng có hiệu quả trong bảo vệ môi trường, góp phần cùng các ngành chức năng giảm thiểu RTN. Sắp tới, chị sẽ tiếp tục sử dụng túi nylon tự phân hủy và in logo của cửa hàng. Chị Kim Xuyến cũng đã rèn cho các con thói quen sống xanh bằng cách mang túi nylon, bao bì gói thức ăn về nhà khi không tìm thấy thùng rác ngoài đường hay bất kỳ nơi đâu. “Con còn nhỏ nên rất dễ tiếp thu bằng hành động của người lớn, do đó bản thân làm và hướng dẫn con làm theo và dần thành thói quen hàng ngày”, chị Xuyến chia sẻ.

Bé Phạm Thụy Quân - học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Tân Mỹ (Ba Tri) luôn được mẹ dạy phải phân loại rác thải tại nhà. Các đồ chơi bằng nhựa bị hư bé được mẹ dạy phải cho vào túi rác riêng vì đây là rác thải không phân hủy phải thu gom để bán ve chai. Theo chị Thúy Loan (mẹ bé Thụy Quân), mỗi lần được phụ mẹ phân loại rác em rất vui vì giữ vệ sinh cho gia đình. Bản thân chị Thúy Loan cũng rất vui vì giúp con hình thành thói quen tốt cho cuộc sống cộng đồng nói chung và gia đình nói riêng.

Có thể thấy, cộng đồng đã “tuyên chiến” với túi nylon, vật dụng sử dụng một lần bằng nhựa, nhưng để triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cần có giải pháp theo chiều sâu. Theo các chuyên gia, hướng tới cuộc sống xanh, không chỉ là vấn đề RTN mà nó bao hàm rất nhiều phương diện trong đời sống hàng ngày. Ðó có thể là thái độ ứng xử với thiên nhiên, chuyện ăn, mặc, ở... có tác động và ảnh hưởng đến môi trường. Thời gian qua, các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Nếu phong trào tiếp tục được duy trì và biến thành ý thức chung của một thế hệ mới, tương lai của hệ sinh thái này sẽ được cải thiện một cách toàn diện.

Bí thư Tỉnh Ðoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Quốc Cường: Ðơn vị đang xây dựng Ðề án “Bến Tre xanh”. Dự kiến, đề án sẽ triển khai sâu rộng các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân trong giữ gìn và bảo vệ môi trường. Trong đó, đoàn viên, thanh thiếu nhi sẽ là lực lượng tiên phong trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, chung tay cùng cộng đồng làm cho Bến Tre thực sự trở thành nơi đáng sống.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Ðại học Cần Thơ: Ðể hướng tới cuộc sống xanh cần sự chung tay góp sức của cá nhân và cộng đồng. Việc sử dụng sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí xanh như tiết kiệm năng lượng, tận dụng năng lượng tái tạo để hướng tới sự phát triển bền vững cũng là cách để bảo vệ sức khỏe, giúp cuộc sống tươi đẹp hơn.

Phan Hân - Thanh Ðồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích