Hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

28/11/2022 - 05:47

BDK - Buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân mới đây, đã ghi nhận 22 ý kiến của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), doanh nghiệp (DN), nông dân ở các huyện trên toàn tỉnh; cùng 5 ý kiến giải trình làm rõ của sở, ngành và lãnh đạo UBND tỉnh. Việc lắng nghe phản ánh, kiến nghị của nông dân, THT, HTX để lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp đề ra các giải pháp về tiếp sức, hỗ trợ nhằm giúp nông dân phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, người khởi nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường tại Diễn đàn Mekong Connect 2022.

Hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, người khởi nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường tại Diễn đàn Mekong Connect 2022.

Quan tâm tháo gỡ khó khăn

Nông dân các huyện trồng dừa phản ánh hiện nay giá dừa lên xuống thất thường, nhất là giảm giá kéo dài từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng đến đời sống của nông hộ. Cây dừa vẫn chưa được công nhận là cây công nghiệp nên các chế độ ưu đãi từ ngân sách nhà nước chưa nhiều. Liên quan vấn đề này, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Huỳnh Quang Đức cho biết, hiện nay, diện tích trồng dừa toàn tỉnh hơn 77 ngàn héc-ta, sản lượng gần 700 ngàn tấn/năm. Tỉnh đang có 200 DN, cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa, kim ngạch xuất khẩu trên 350 triệu USD/năm, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Để phát triển và giữ vững diện tích vườn dừa tỉnh, góp phần ổn định kinh tế người dân, tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp xây dựng vùng trồng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị dừa theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy. Kết quả, hiện có trên 17 ngàn héc-ta sản xuất dừa hữu cơ. Ông Huỳnh Quang Đức cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa hữu cơ, tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ NN&PTNT đưa cây dừa vào danh sách cây trồng quốc gia. Tập trung công tác đàm phán để Trung Quốc mở cửa sớm cho nhập khẩu dừa chính ngạch vào thị trường này.

Trước tình hình sâu bệnh trên cây dừa lan rộng, gây thiệt hại nặng đến năng suất và chất lượng, Sở NN&PTNT đã thông tin, ngay sau khi phát hiện loài sâu hại lạ là sâu đầu đen, tỉnh đã phối hợp với các viện, trường để tìm biện pháp phòng trị. Qua đó cho thấy, phòng trừ theo hướng sinh học mang lại hiệu quả cao tại các vùng từng bị nhiễm bệnh. Quy trình nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh đang tiếp tục được triển khai. Đến nay, đã thả 8 triệu con ong. Sắp tới, có đề tài quốc gia quy mô rất lớn do Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện về nhân nuôi và phòng trị sâu hại dừa.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức nhận định: “Tiềm năng của cây dừa trong tương lai còn rất lớn, nông dân nên yên tâm. Về giá dừa, nông dân không nên bi quan. Việc giá dừa giảm chỉ mang tính tạm thời. Đồng thời, khuyến cáo người dân quy hoạch lại vùng sản xuất. Người dân cần liên kết lại để có tiếng nói chung với DN. Tuy nhiên, lưu ý các hợp đồng kinh tế với các DN ký kết phải đảm bảo tính pháp lý rõ ràng, chặt chẽ. Người dân nên quan tâm khai thác sản phẩm phụ từ cây dừa để nâng cao thu nhập. Việc này, các nước trồng dừa trên thế giới đang khai thác rất tốt, nhất là Ấn Độ...”.

Phó giám đốc Sở Công Thương Trần Văn Đấu cho rằng, giá dừa trái giảm, trong khi giá phân thuốc đầu vào tăng cao. Sở đã tham mưu tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ xuất khẩu nông sản thông qua các chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia, qua kênh đại sứ Việt Nam tại nước ngoài, tham tán thương mại, tổ chức kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Phát triển Kinh tế tập thể

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân, thành viên THT, HTX như: chính sách ngành nghề nông thôn, chính sách liên kết tiêu thụ, chính sách tín dụng, kinh tế trang trại, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các chính sách, nhất là chính sách hỗ trợ về liên kết sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành rất quan tâm đến phát triển kinh tế tập thể, HTX. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Qua đó, những khó khăn, vướng mắc của THT, HTX được giải quyết khá kịp thời. Sở Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các THT, HTX.

Trước kiến nghị của nông dân về việc các xã đều có thành lập HTX nhưng hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, ngành chức năng có giải pháp nào? Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Thanh Phương cho hay, toàn tỉnh có 179 HTX, trong đó có 14 HTX mới thành lập năm 2022, 31 HTX ngừng hoạt động, chờ thủ tục giải thể. Giải pháp trong thời gian tới, trước nhất HTX phải đóng vai trò cầu nối sản phẩm của thành viên đến với thị trường, cung ứng tốt các dịch vụ đầu vào. Liên minh HTX tỉnh sẽ thực hiện công tác tư vấn, hướng dẫn và đồng hành cùng HTX trong tổ chức hoạt động.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết, qua đối thoại, mong tất cả người dân nắm được các chính sách lớn của ngân hàng, Sở Tài chính, Sở NN&PTNT… vừa trình bày để tiếp cận khi có nhu cầu. UBND tỉnh sẽ có văn bản chính thức từ hội nghị để gửi đến người dân các địa phương nắm.

Tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cho hay, tỉnh sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của người dân để ban hành những chính sách phù hợp. Đồng thời, tỉnh có chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc giúp việc tiêu thụ nông sản thuận lợi; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng vùng sản xuất tập trung và hoàn thiện các chuỗi giá trị nông sản chủ lực.

Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với một số mặt hàng thiết yếu, vật tư nông nghiệp. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản; đầu tư kết nối thương mại điện tử cho người dân…

UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị đối thoại (trực tiếp và trực tuyến với các huyện, thành phố) giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân năm 2022, chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”. Chủ trì gồm: Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lao Văn Trường.

Đối thoại nhằm giúp người nông dân có điều kiện được bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng; phản ánh, đề xuất, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, địa phương kịp thời chỉ đạo, giải đáp những vướng mắc và có những giải pháp phù hợp để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát huy sự sáng tạo của nông dân góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN