BDK - TP. Bến Tre, ngoài phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch thì kinh tế nông nghiệp (NN) vẫn còn có thể phát triển đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế chung của thành phố; trong đó, kinh tế NN không chỉ đơn thuần như các huyện mà phải phát triển theo hướng NN đô thị ứng dụng khoa học kỹ thuật cao.
Tham quan mô hình trồng rau trong nhà màng tại phường Phú Khương, TP. Bến Tre.
Phát triển và nhân rộng mô hình
Theo Trưởng phòng Kinh tế TP. Bến Tre Võ Văn Được, TP. Bến Tre có diện tích đất tự nhiên 7.062ha; trong đó, đất sản xuất NN của thành phố là 4.741,5ha, chiếm 67%. Nhằm định hướng sử dụng đất đúng mục đích và có hiệu quả, đến nay, TP. Bến Tre đã thực hiện chuyển đổi 100% diện tích đất lúa sang trồng dừa, bưởi da xanh và các loại cây ăn trái. Nhưng với tốc độ đô thị hóa của thành phố, phần lớn đất NN đều phải điều chỉnh bởi quy hoạch các công trình, dự án đã và đang triển khai trên địa bàn, nên phần nào gây khó khăn cho việc sản xuất NN truyền thống, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Không gian NN nhường chỗ cho các khu đô thị và hạ tầng đô thị đã và đang phát triển.
NN TP. Bến Tre từng bước định hướng phát triển theo hướng phù hợp với địa bàn đô thị, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, gắn với phát triển du lịch NN nông thôn. Phát triển vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm; phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Thực hành sản xuất NN tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ gồm bưởi da xanh ở xã Sơn Đông, Nhơn Thạnh, Phú Nhuận; dừa xiêm ở xã Bình Phú, Phú Hưng, Phú Nhuận, Mỹ Thạnh An. Tổng giá trị sản xuất NN hàng năm đều có sự tăng trưởng, góp phần giúp kinh tế địa bàn phát triển ổn định.
TP. Bến Tre đã khuyến khích phát triển các mô hình mới về NN đô thị như: mô hình trồng dưa lưới (xã Bình Phú và Nhơn Thạnh); mô hình hoa lan (phường Phú Khương và xã Bình Phú); mô hình trồng rau sạch, an toàn trong nhà kính, nhà lưới (phường Phú Khương, các xã: Phú Hưng, Phú Nhuận, Mỹ Thạnh An); mô hình trồng nấm (Phường 7, các xã: Phú Hưng, Sơn Đông, Mỹ Thạnh An); mô hình nuôi lươn không bùn (Sơn Đông, Nhơn Thạnh, Phú Nhuận); mô hình nhân nuôi cá kiểng, ốc bươu đen (Phường 8, xã Phú Hưng); mô hình trồng rau mầm, giá đỗ sạch (Phường 8, phường Phú Khương); mô hình trồng rau sạch tại nhà từ nguồn phân hữu cơ ủ thùng composite... Các mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp điều kiện phát triển NN trên địa bàn thành phố.
Quá trình triển khai thực hiện các mô hình sản xuất NN, thành phố đã ưu tiên thực hiện các mô hình NN đô thị có ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động; sử dụng các giống cây trồng phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu, vận động người nông dân và người dân trên địa bàn trồng các loại cây phù hợp với điều kiện đất đai đô thị ngày càng bị thu hẹp như: các loại rau, củ quả (dưa lưới); rau thủy canh, rau trong nhà kính, nhà lưới; rau mầm; nấm bào ngư, nấm mối đen... tạo điều kiện phát triển các cửa hàng kinh doanh cây giống, hoa kiểng, các cửa hàng trưng bày các sản phẩm NN.
Phương hướng tới
Mục tiêu của thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 là giá trị sản xuất NN hàng năm tăng 2%. Trong đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, NN công nghệ cao, NN sinh thái, phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản dừa, bưởi da xanh an toàn gắn với mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; phát triển du lịch NN nông thôn; phát triển các dịch vụ NN trong nội đô, tăng tỷ lệ che phủ xanh...
Trưởng phòng Kinh tế TP. Bến Tre Võ Văn Được cho biết: Sắp tới, Hội Nông dân thành phố và các cấp hội cơ sở tiếp tục quan tâm phát triển NN đô thị của thành phố giai đoạn 2022 - 2025, vì đến năm 2030, TP. Bến Tre sẽ đạt đô thị loại I, khi đó tỷ lệ đất đô thị hóa của thành phố từ 40 - 45%, dân số dự kiến trên 250 ngàn dân. Theo hướng này, diện tích sản xuất NN sẽ giảm mạnh, trong khi đó, lượng người tăng dần, nhu cầu về nhu yếu phẩm, rau, củ, quả cũng tăng. Do vậy, việc thực hiện các nhiệm vụ này là rất cần thiết. Thành phố sẽ có kế hoạch chiến lược phát triển NN đô thị có tính chất dài hạn, phù hợp, cũng như khoanh vùng chức năng cho đất sản xuất NN, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho phát triển NN đô thị. Tận dụng tối đa các không gian ở đô thị để sản xuất NN nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại môi trường sống xanh cho người dân.
Hàng năm, Phòng Kinh tế, Hội Nông dân thành phố tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật, trong đó chú trọng các mô hình sản xuất NN đô thị như: trồng nấm, trồng hoa kiểng, cây cảnh, các loại rau ăn lá...; đồng thời, quan tâm hỗ trợ nông dân về vốn, giống, vật liệu sản xuất, chú trọng trợ giúp những hộ đầu tư làm các mô hình mới.
Tiếp tục vận động đoàn viên, hội viên, người dân sống tại các xã, phường, các địa bàn đô thị, các gia đình có nhà cao tầng hoặc có đất trống nên tận dụng không gian để trồng thêm rau, quả để cải thiện và tạo cảnh quan mát mẻ. Việc các hộ dân tận dụng không gian trống để sản xuất NN, trồng rau, quả vừa góp phần tạo không gian xanh, gần gũi thiên nhiên vừa tạo ra sản phẩm an toàn, cải thiện bữa ăn.
“TP. Bến Tre đề xuất ngành cấp trên quan tâm, có các chính sách đặc thù đối với nông dân thành phố như các chương trình phát triển NN đô thị để ứng dụng các công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và hỗ trợ người dân trong việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm”.
(Trưởng phòng Kinh tế TP. Bến Tre Nguyễn Văn Được)