Hôm nay ngày 1-8-2018, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị triển khai Đề án xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) và phát động phong trào xây dựng GTNT từ nay đến năm 2020. Trước đó, năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới (NTM) đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Ngành giao thông vận tải (GTVT) đã tham mưu thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020. Sau thời gian thực hiện, mạng lưới GTNT trong tỉnh không ngừng được mở rộng, nâng cấp, tạo điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn.
Thi công đường giao thông nông thôn ở xã Định Thủy (Mỏ Cày Nam) ngày 30-7-2018. Ảnh: Hữu Hiệp
Thực trạng hệ thống giao thông
Nhìn trên tổng thể có thể thấy rằng, thời gian qua, tỉnh đã được đầu tư nhiều công trình quan trọng như cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên trên quốc lộ (QL) 60 và các dự án nâng cấp các cầu yếu trên quốc lộ (QL) 57, QL.60. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cùng với các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư các công trình trọng điểm, tỉnh ủy cũng đã đề ra chủ trương “tăng tốc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và nhựa hóa, bê-tông hóa GTNT” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Theo số liệu thống kê của ngành GTVT, hiện toàn tỉnh có trên 5.359km đường giao thông, trong đó đường QL. thuộc địa bàn tỉnh như QL.60, dài 36km, đã nhựa hóa 100%, có 11 cầu; QL.57 dài 96,236km, đã nhựa hóa 100%, có 23 cầu; QL.57B nằm trên đường tỉnh (ĐT) 883 và một phần ĐT.884 dài 86,23km, đã nhựa hóa 100%, có 18 cầu và 1 bến phà Tân Phú; QL.57C (gồm một phần ĐT.884, ĐT.885, ĐT.887 cũ) dài 64,6km, đã nhựa hóa 97%, còn 3% với khoảng 1,9km là đường đất, đang chuẩn bị đầu tư thành đường đạt chuẩn cấp 4 đồng bằng, có 19 cây cầu.
Đối với ĐT, có 3 tuyến dài 39,695km, đã nhựa hóa đạt 100%, trong đó ĐT.882 dài 8,1km, ĐT.885 dài 20,195km, ĐT.886 dài 8,1km. Đường huyện có 44 tuyến, dài 477km, đã nhựa hóa đạt 88%. Đường đô thị, các tuyến dài 189km, đã nhựa hóa, bê-tông hóa 100%. Đặc biệt, đường GTNT có tổng chiều dài 4.370km, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các tuyến đường GTNT đang được đầu tư theo quy mô cấp kỹ thuật của Bộ GTVT.
Qua nhiều năm xây dựng GTNT, nhận thức của người dân dần thay đổi, từ chỗ xây dựng GTNT chỉ là phong trào đã dần chuyển thành nhu cầu cần thiết phải xây dựng và người dân đã nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng GTNT. Việc lập quy hoạch được thực hiện lồng ghép trong quy hoạch chung xây dựng NTM, đã đem lại kết quả nhất định, hệ thống giao thông đã được nâng lên từ chỉ đi lại thuận lợi nay xe tải nhỏ đã vận chuyển hàng hóa đến tận hộ dân hoặc nơi tiêu thụ. Hàng năm, các địa phương đều có lập kế hoạch xây dựng cho năm tiếp sau.
Tuy nhiên, việc lập kế hoạch chưa bám sát thực tế tình hình, nguồn kinh phí đầu tư nên việc cân đối còn bị đọng, dẫn đến kinh phí hỗ trợ chưa kịp thời khi địa phương có nhu cầu hoặc được đầu tư nhưng không giải ngân được kinh phí. Nguồn vốn hiện còn khó khăn, khả năng huy động vốn ngoài xã hội còn hạn chế. Một số xã chưa thật sự chủ động tổ chức triển khai thực hiện đầu tư phát triển GTNT, còn trông chờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ cấp trên.
Thi công đường giao thông nông thôn ở xã Định Thủy (Mỏ Cày Nam). Ảnh: Hữu Hiệp
Định hướng phát triển GTNT đến năm 2020
Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh có 147 xã hoàn thành tiêu chí số 2 về GTNT thì đòi hỏi sự phấn đấu, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đối với các xã đủ điều kiện đạt từ 14 tiêu chí trở lên đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn NTM thì Văn phòng điều phối xây dựng NTM phối hợp với Sở GTVT, Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định danh mục công trình cần thiết đầu tư xây dựng để đạt chuẩn theo quy định. Đối với các xã còn lại, xây dựng cơ bản đạt tiêu chí số 2 về giao thông: đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện ưu tiên lựa chọn đầu tư mỗi xã 1 tuyến đường. Các tuyến còn lại điều chỉnh quy hoạch phân kỳ thực hiện sau năm 2020. Đường trục ấp, liên ấp, đường ngõ, xóm, đường trục chính nội đồng đạt cứng hóa. Tùy điều kiện phát triển của từng địa phương, nguồn vốn ngân sách và khả năng huy động vốn ngoài xã hội mà xác định đầu tư các tuyến đường cho phù hợp. Các tuyến còn lại điều chỉnh theo phân kỳ sau năm 2020.
Theo Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Hoàng, để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi các cấp ngành, địa phương, đoàn thể chính trị - xã hội có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng, đóng góp kinh phí, ngày công lao động, đất đai để tham gia xây dựng GTNT. Tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, những cách làm hay trong phong trào xây dựng GTNT ở các xã tiêu biểu để các địa phương khác học hỏi áp dụng. Kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực, gương mẫu trong xây dựng GTNT, làm cơ sở nhân rộng ra mọi tầng lớp nhân dân. Tích cực vận động sự hỗ trợ từ các cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư giao thông. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch cục bộ giao thông ở các xã phù hợp với nhu cầu và nguồn lực để lựa chọn ưu tiên đầu tư xây dựng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.
Tranh thủ tối đa, thực hiện triệt để cơ chế lồng ghép từ các chương trình, dự án đầu tư khác với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đặc biệt là các chương trình do ngân sách Trung ương hỗ trợ vốn để xây dựng hệ thống GTNT. Trong đó, chú trọng chương trình đầu tư hạ tầng các khu nông nghiệp tập trung, chương trình đầu tư hạ tầng làng nghề, hạ tầng du lịch. Tranh thủ nguồn vốn ODA để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông như dự án thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện các biện pháp thu hút vốn dành cho GTNT như vận động người dân, doanh nghiệp, vốn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ. Đề xuất cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng GTNT để huy động nguồn lực trong xã hội, người dân.
Cơ chế đặc thù “Nhà nước hỗ trợ vật liệu để xây dựng phần mặt đường, phần nhân công, máy thi công và nền hạ giao cho cộng đồng dân cư hưởng lợi trực tiếp từ công trình tự vận động thực hiện” để đẩy mạnh phong trào xây dựng GTNT. Qua tính toán khi thực hiện hình thức này sẽ tiết kiệm kinh phí so với thực hiện theo trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. Khi thực hiện theo trình tự xây dựng cơ bản: kinh phí đầu tư xây dựng 132,57km đường ở 103 xã là 480,17 tỷ đồng. Khi thực hiện theo phương án đề xuất cơ chế đặc thù kinh phí đầu tư xây dựng chỉ tốn 209,669 tỷ đồng. |
Thu Huyền