Huy động nguồn vốn cho phục hồi phát triển kinh tế

25/10/2021 - 06:21

BDK - Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu phát triển Bến Tre về hướng Đông, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, tỉnh đang huy động tối đa nguồn lực tập trung đầu tư 11 công trình, dự án trọng điểm mang tính đột phá. Trong đó, có triển khai các dự án điện gió, điện khí, hoàn thành lấp đầy Khu công nghiệp Phú Thuận và mỗi huyện 1 cụm công nghiệp ít nhất 70ha, triển khai 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát tiến độ Khu công nghiệp Phú Thuận (Bình Đại), tháng 3 năm 2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát tiến độ Khu công nghiệp Phú Thuận (Bình Đại), tháng 3 năm 2021.

Đồng hành, chia sẻ

Giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành cho biết, trên cơ sở bám sát định hướng phát triển của tỉnh, với vai trò là kênh cung ứng vốn chủ lực phục vụ phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua, ngành NH Bến Tre đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn phục vụ đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn. Dư nợ tín dụng duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 17,2%/năm (trong đó khu vực II tăng 17,7%/năm; khu vực III tăng 21,8%/năm). Đồng thời, cơ cấu tín dụng có xu hướng chuyển dịch phù hợp với cơ cấu ngành kinh tế. Tỷ trọng dư nợ cho vay khu vực II tăng từ 14,7% lên 15,4%; khu vực III tăng từ 51 - 59%.

Đáng chú ý trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, việc di chuyển của người dân gặp khó khăn do cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội. Các chi nhánh NH không bắt buộc khách hàng đến giao dịch trực tiếp đối với các nghĩa vụ đến hạn như: trả nợ, linh hoạt triển khai các sản phẩm NH trực tuyến để bảo đảm nghĩa vụ và quyền hạn của khách hàng trong quan hệ tín dụng với NH, cho phép nộp hồ sơ trực tuyến, miễn phí trả nợ trước hạn, miễn/giảm phí một số dịch vụ…

“Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các chi nhánh NH trên địa bàn đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp thiết thực, góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn/giảm lãi vay, cho vay mới hỗ trợ ổn định, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới”, Giám đốc NH Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành khẳng định.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn từng bước đổi mới, phát triển theo hướng ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp cả về con người, cơ sở vật chất, sản phẩm dịch vụ, đủ năng lực đáp ứng các nhu cầu thanh toán, đầu tư phát triển cao của tỉnh. Với hệ thống mạng lưới rộng khắp cả tỉnh, gồm: 30 chi nhánh NH, 69 phòng giao dịch, 8 quỹ tín dụng nhân dân và 1 tổ chức tài chính vi mô, 144 ATM và 727 POS, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cung ứng đa dạng, đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ NH đến người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh các kênh truyền thống, các kênh NH hiện đại như Internet Banking, Mobile Banking, NH điện tử… cũng được triển khai mạnh mẽ để phục vụ thúc đẩy thương mại điện tử và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.

Chuyển sang thế chủ động cấp vốn

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho hay, để tập trung phát triển theo định hướng về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030, Bến Tre đang cần nguồn vốn đầu tư rất lớn phải thông qua NH. Cụ thể, đối với kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao đang rất khó khăn về vốn đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện vùng nuôi, ước trên 82 tỷ đồng (trong tổng số vốn huy động đầu tư lưới điện nông thôn trên 2.600 tỷ đồng).

Theo quy hoạch, mỗi huyện có ít nhất 1 cụm công nghiệp nhưng hiện rất khó khăn về nguồn vốn để giải phóng mặt bằng. Các dự án điện gió cũng cần vốn đầu tư rất lớn.

Với vai trò và trách nhiệm của ngành, để thực hiện chủ trương trên và hỗ trợ phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, NH Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh xác định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đổi mới phương thức tiếp cận khách hàng, chuyển từ thế bị động sang chủ động cung ứng vốn đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động NH, xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các sản phẩm số và tăng cường tích hợp, kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ, nhằm phục vụ phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

Với định hướng như trên, ngành NH cần nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin về các chủ trương, định hướng phát triển, tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong lĩnh vực công thương. Việc xây dựng các cụm công nghiệp, các ngành công nghiệp mũi nhọn, các dự án điện gió, điện khí, dự án đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến nông thủy sản ứng dụng công nghệ cao…, các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử để đánh giá, xác định nhu cầu vốn, chủ động tiếp cận, cung ứng vốn và các sản phẩm, dịch vụ NH một cách hiệu quả.

Trước những yêu cầu đó, vừa qua, NH Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh và Sở Công Thương đã tiến hành ký kết quy chế phối hợp giữa hai ngành, lĩnh vực trên địa bàn, nhằm đảm bảo huy động nguồn vốn cho tỉnh trong thực hiện mục tiêu phát triển về hướng Đông, nhất là đối với những công trình, dự án trọng điểm.

“Từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố có dịch đến nay, ngành ngân hàng tỉnh đã hỗ trợ hơn 100 ngàn lượt khách hàng, gần 55 tỷ đồng tiền lãi đã được miễn/giảm và ủng hộ hơn 26 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật) hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch của tỉnh. Đồng thời, ngân hàng đã cho vay 760 tỷ đồng để thu mua, tạm trữ, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu gần 97 ngàn tấn lúa, gạo trên địa bàn tỉnh, bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung ứng…”.

(Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN