Huyền thoại Đoàn tàu không số năm xưa

21/12/2016 - 06:50

Cựu chiến binh Đoàn tàu không số và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi họp mặt, giao lưu. Ảnh: Ánh Nguyệt

Để ngợi ca về những con tàu của Đoàn tàu không số (TKS) lịch sử, nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thưởng đã viết: “Con TKS năm xưa ra đi âm thầm dũng cảm. Con TKS năm xưa ra khơi sẵn sàng quên mình. 

Đoàn TKS năm xưa những con tàu huyền thoại, xẻ dọc Biển Đông tải đạn ra chiến trường…”. Thật vô cùng ý nghĩa khi những câu chuyện về Đoàn TKS huyền thoại ấy đã được chính những nhân chứng lịch sử của Đoàn tàu kể lại, đó là buổi họp mặt, giao lưu cựu chiến binh Lữ đoàn 125 về truyền thống Đoàn TKS Đường Hồ Chí Minh trên biển đã diễn ra ngày 19-12-2016 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các ngành tổ chức, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2016) và kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Đoàn TKS.

Trở về thăm lại Bến Tre lần này có ba vị nhân chứng lịch sử của Đoàn TKS năm xưa gồm: Đại tá Trần Phong - nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 125 Đoàn TKS, Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm - nguyên Thuyền trưởng Đoàn TKS và Thiếu tá Huỳnh Văn Tiến - Chính trị viên Đoàn TKS. Cùng về tham dự buổi họp mặt còn có nhà văn Mã Thiện Đồng - người đã viết tập sách về Đoàn TKS, nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thưởng - nhạc sĩ đã có nhiều sáng tác về Đoàn TKS và đại diện Lữ đoàn 125. Phía Bến Tre có Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ông Cao Văn Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện một số ngành tỉnh và đông đảo chiến sĩ, thanh niên cùng tham dự, lắng nghe.

Được xem như huyền thoại

Nữ nhà văn Mã Thiện Đồng - người rất “say sưa” viết về đề tài Đoàn TKS với hơn 8 năm trời dành thời gian đi tìm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử khắp nhiều tỉnh thành đã đúc kết: Có lẽ chỉ ở Việt Nam ta mới có những con TKS như thế. Cùng với những con người, hàng chục năm trời âm thầm lặng lẽ, bí mật len lỏi trên hàng triệu kí-lô-mét đường biển, vượt qua muôn vàn gian khó trước những thử thách căng thẳng, phong ba bão táp lúc nào cũng muốn nhấn chìm tàu xuống đáy biển. Đối chọi với sóng biển là một lẽ, còn phải luồn lách, né tránh sự săn lùng của tàu chiến, máy bay, hạm đội địch rà soát, lùng sục bao vây trên biển… Người chiến sĩ TKS phải đấu trí, đấu sức bằng sự thông minh, sáng tạo và lòng quả cảm, vượt qua bao nhiêu thử thách nguy hiểm, tính mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, họ là những đoàn cảm tử quân để đạt được mục đích duy nhất: vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam.


Cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 125 tặng một cây bàng vuông được mang về từ Trường Sa. 

Cùng ôn lại lịch sử, trong bài phát biểu tại buổi họp mặt giao lưu, ông Nguyễn Hữu Thọ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nêu: Nói đến Đường Hồ Chí Minh trên biển là nói đến tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông, được hình thành từ năm 1961 để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Tạo nên kỳ tích thần kỳ đó chính là Đường Hồ Chí Minh trên biển, đưa hàng ngàn tấn vũ khí vào trong vùng địch, lòng địch nhưng chúng vẫn không biết, không hay, không ngăn cản nổi, góp phần tạo nên chiến thắng mùa xuân 30-4-1975, Bắc Nam sum họp một nhà và cùng với cả nước, quê hương có sự thay da đổi thịt như ngày hôm nay.

Từ cuộc vượt biển mở đường lần thứ nhất năm 1946 của đồng chí Nguyễn Thị Định và đồng đội, đến cuộc vượt biển lần thứ hai năm 1961 của đồng chí Đặng Bá Tiên và đồng đội, Bến Tre đã góp phần giúp Trung ương nắm chắc tình hình, đi đến quyết định mở đường vận tải trên Biển Đông chi viện cho chiến trường miền Nam, hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển sau này, vì vũ khí đối với miền Nam khi ấy là rất cần. Qua 10 năm vận chuyển (từ 1961 - 1971), từ Đường Hồ Chí Minh trên biển, Trung ương đã chi viện cho chiến trường miền Nam gần 200 chuyến, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, có cả xe tăng và hàng chục ngàn chiến sĩ ra mặt trận.

Đối với Bến Tre, từ năm 1963 đã xây dựng xong bến bãi tiếp nhận hàng chiến lược, gồm một cụm nằm trên xã Thạnh Phong (Thạnh Phú). Đầu tháng 3-1963, quân dân Bến Tre đã nao nức ra đón chuyến tàu sắt đầu tiên chở gần 100 tấn hàng cập bến an toàn. Sau đó, những chuyến hàng liên tục cập bến Khâu Băng phục vụ tích cực cho cuộc chiến đấu ở miền Nam. Từ năm 1963 - 1971, đã có 27 chuyến hàng về bến Thạnh Phong, trong đó, có 2 lần bị phá hủy, còn lại đều được đưa vào nơi cất giữ an toàn, với số lượng hơn 2 ngàn tấn.

Cảm xúc quê hương

Với các vị tiền bối là nhân chứng lịch sử, cho dù đi qua bao nhiêu thời gian thì những diễn biến, tình tiết lịch sử cùng những cảm xúc bấy giờ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức không hề nhạt phai. Bằng thần thái linh hoạt, giọng hùng hồn vẫn hừng hực lửa, các cựu chiến binh Đoàn TKS ngày ấy đã đưa người nghe - cán bộ, chiến sĩ, các bạn trẻ ngược dòng thời gian trở về với lịch sử dân tộc.

Cảm xúc ngày về thăm lại Bến Tre, Đại tá Trần Phong chia sẻ: “Tôi nhận thấy các vị lãnh đạo tỉnh vẫn luôn nhớ đến Đoàn TKS - Đường Hồ Chí Minh trên biển, cả trên bờ (tức cả bến), đây là điều rất đáng quý. Chúng tôi luôn ghi nhớ và trân trọng tình cảm của Bến Tre đã hỗ trợ, nuôi nấng chúng tôi trong chiến tranh và tình cảm ấy vẫn còn lưu giữ cả trong hòa bình, trong xây dựng đất nước. Chúng tôi rất thương những người vận chuyển ở bến, vì cũng vất vả và quan trọng không kém ở dưới tàu, nếu nói tàu 1 thì phải nói bến 1. Theo tôi, giá trị đặc biệt của Đường Hồ Chí Minh trên biển là cả tàu - bến cùng gắn bó, hay nói cách khác là miền Bắc - miền Nam cùng phối hợp góp sức đưa được hàng trực tiếp vào chiến trường. Trong đó, không thể không nhắc đến công lao của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, của các bà, các mẹ, các chị em cùng tham gia vận chuyển hàng từ các chuyến tàu.

Với Thiếu tá Huỳnh Văn Tiến - người con của Bến Tre (quê ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) lại càng xúc động nhiều hơn trong dịp trở về thăm lại quê hương Bến Tre lần này. Ông nói: “Là người con của quê hương Bến Tre Đồng Khởi được cử đi làm nhiệm vụ chiến lược đặc biệt: vận chuyển vũ khí về chi viện cho miền Nam, tôi đã dốc toàn sức, toàn tâm và đã cùng các đồng chí khác làm tốt nhiệm vụ được giao. Sau ngày giải phóng, tôi không có dịp trở về quê hương mà cư ngụ tại thành phố biển Vũng Tàu nhưng lúc nào tôi cũng canh cánh trong lòng hướng về Bến Tre - nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Tôi thật sự cảm thấy bồi hồi, xúc động và rất hạnh phúc khi có dịp trở về đây, có dịp được trò chuyện cùng các chiến sĩ, thanh niên, thế hệ trẻ... Tôi rất trân trọng tình cảm của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tạo điều kiện cho chúng tôi có dịp thăm lại quê hương Bến Tre”.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm quê gốc ở Cà Mau, nhưng cũng là người dành nhiều tình cảm cho Bến Tre nên không tránh khỏi cảm xúc bồi hồi trong ngày họp mặt. Ông nhận định, đây là một buổi họp mặt giao lưu, nói chuyện truyền thống vô cùng ý nghĩa. “Đây không chỉ là dịp để chúng tôi về thăm lại Bến Tre, vui mừng với sự phát triển về mọi mặt của một quê hương đã từng chịu nhiều mất mát trong chiến tranh mà còn là dịp để cùng ôn lại truyền thống lịch sử của Đoàn TKS - Đường Hồ Chí Minh trên biển, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ trân trọng lịch sử quê hương mình. Tôi gửi gắm niềm tin đến lực lượng vũ trang, thanh niên, thế hệ trẻ sẽ không ngừng phấn đấu học tập, làm việc, noi theo truyền thống, nuôi dưỡng ý chí Đồng khởi tiến công vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình ngày càng phát triển” - Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm tin tưởng.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, nhiều chiến sĩ Đoàn TKS đã hy sinh. Có thể nói, ngày nay, những thành viên Đoàn TKS còn sống là một tài sản tinh thần vô cùng quý giá của cả dân tộc. Và mỗi một cuộc gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử đều là những khoảnh khắc đầy ý nghĩa với những người hiện diện, qua đó, tôn vinh lịch sử dân tộc, hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ hôm nay, mai sau.

Dịp này, các diễn giả Đoàn TKS đã gửi tặng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy một bức bản đồ Đường Hồ Chí Minh trên biển. Lữ đoàn 125 đã gửi tặng Bến Tre một cây bàng vuông được mang về từ Trường Sa và được tổ chức trồng tại công viên Hoàng Lam.

Bài, ảnh: A. Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN