Tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh ở gần Eo biển Hormuz ngày 21-7-2019. Nguồn: THX/TTXVN
Đề xuất của Anh thành lập một liên minh hải quân do châu Âu dẫn đầu thực hiện nhiệm vụ hộ tống các tàu chở dầu tại vùng Vịnh là một động thái "khiêu khích."
Người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei ngày 28-7-2019 đưa ra lời cảnh báo trên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại vùng Vịnh liên quan các vụ bắt giữ tàu thời gian gần đây.
Các hãng thông tấn ISNA và Fars của Iran dẫn lời ông Rabiei nêu rõ: "Chúng tôi nghe thấy rằng họ có ý định phái một hạm đội của châu Âu tới Vịnh Persian. Đây là một thông điệp thù địch, mang tính khiêu khích và sẽ làm gia tăng căng thẳng".
Ông Rabiei khẳng định an ninh tại vùng Vịnh phải do các nước trong khu vực này giữ gìn.
Trước đó, ngày 22-7-2019, Anh cho biết nước này có kế hoạch thành lập một lực lượng hải quân do châu Âu dẫn đầu có nhiệm vụ hộ tống các tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz, tuyến vận tải biển nhộn nhịp nhất thế giới, sau khi xảy ra vụ Iran bắt giữ tàu Stena Impero treo cờ Anh ngày 19-7-2019 vừa qua.
Iran bắt giữ tàu này hai tuần sau khi nhà chức trách Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar với lý do tàu này vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria.
Đề xuất của Anh về việc thành lập liên minh hải quân nói trên cho đến nay chưa nhận được những phản ứng tích cực từ các nước châu Âu.
Pháp ngày 25-7-2019 cho biết nước này không sẵn sàng đưa thêm khí tài quân sự đến vùng Vịnh, dù sẵn sàng chia sẻ thông tin và điều phối các khí tài hiện đang được triển khai tại đây.
Trong khi đó, quân đội Mỹ tuyên bố đã tiến hành hoạt động giám sát tại eo biển Hormuz và đang tăng cường hoạt động giám sát và an ninh trên các tuyến đường thủy chủ chốt ở Trung Đông.
Eo biển Hormuz chỉ rộng 33km nhưng là lối vào phía Đông và điểm ra vùng Vịnh, hiện do Iran và Các Tiểu vương quốc Arab (UAE) quản lý.
Các vụ bắt giữ tàu diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng hơn một năm sau khi Washington tháng Năm năm ngoái đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, đẩy thỏa thuận này tới nguy cơ sụp đổ.
Chính quyền Tehran tuyên bố ngừng thực thi một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, đồng thời tiến hành làm giàu uranium trên mức 3,67% quy định trong thỏa thuận.
Nguồn: Vietnam+