Bà Nguyễn Quỳnh Như (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) hỏi: Vợ chồng tôi có chung tài sản là phần đất có diện tích 1.000m2 mua năm 1994. Năm 2008, chúng tôi cho bà Võ Thị Nhẫn thuê một phần đất diện tích 200m2 để cất nhà ở.
Năm 2010, chúng tôi thỏa thuận bán luôn phần đất này cho bà Nhẫn và đã
nhận đủ tiền từ bà, biên nhận nhận tiền có công chứng chứng thực chữ ký của hai
bên. Tuy nhiên, do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) của tôi đang cầm cố
tại ngân hàng nên chưa lập thủ tục chuyển nhượng cho bà Nhẫn được.
Do làm ăn thua lỗ nên chúng tôi có nợ ông Nguyễn Văn Ba số
tiền 500 triệu đồng. Năm 2012, ông Ba khởi kiện chúng tôi. Ngày 12-12-2012, Tòa
án huyện Châu Thành xét xử buộc vợ chồng tôi phải trả 500 triệu đồng cho ông
Ba. Tôi kháng cáo. Ngày 12-6-2013, Tòa phúc thẩm xử y án sơ thẩm. Trước khi Tòa
án cấp phúc thẩm xét xử, tôi đã làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho bà Nhẫn và
đã được công chứng, chứng thực. Thế nhưng, trong khi bà Nhẫn chưa kịp làm sổ đỏ
mới thì cơ quan thi hành án (THA) đã tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản của
tôi để bán đấu giá trả tiền cho ông Ba. Tài sản bị kê biên bao gồm toàn bộ phần
đất của tôi theo giấy chứng nhận QSDĐ, trong đó có cả phần đất đã bán cho bà Nhẫn
(bà đã xây nhà kiên cố trên đất này).
Xin hỏi: Việc kê biên tài sản của cơ quan THA là đúng hay
sai? Tôi và bà Nhẫn phải làm gì để bảo vệ quyền tài sản của mình?
Thắc mắc của bà được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật
sư Bến Tre) tư vấn như sau:
Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015
của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật THA dân sự quy định: “Kể từ thời điểm bản
án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải THA chuyển đổi, tặng cho,
bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng
khoản tiền thu được để THA và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ
để đảm bảo nghĩa vụ THA thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để THA, trừ trường
hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp
thì chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo
quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật THA dân sự…”.
Như vậy, theo quy định của điều luật này thì Cơ quan THA
kê biên toàn bộ QSDĐ của bà là chưa đúng pháp luật. Lẽ ra, chấp hành viên phải
xác định rõ diện tích đất còn lại của bà là bao nhiêu, giá trị đủ để THA hay
không? Nếu đủ thì chỉ cần kê biên diện tích còn lại của bà để bán đấu giá. Nếu
không đủ giá trị để THA thì phải thông báo cho bà Nhẫn biết để tranh chấp tại
Tòa án theo Điều 75 Luật THA dân sự, cụ
thể: “Trường hợp cưỡng chế đối với tài sản của người phải THA mà có tranh chấp
với người khác thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế và yêu cầu đương sự, người
có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Chấp hành viên xử lý tài sản đã kê biên theo quyết định của Tòa án, cơ quan có
thẩm quyền.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chấp hành viên yêu cầu
mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ
quan có thẩm quyền giải quyết thì tài sản được xử lý để THA theo quy định của
Luật này”.
Để bảo vệ quyền, lợi ích của bà và bà Nhẫn, bà có thể khiếu
nại đến thủ trưởng cơ quan THA dân sự huyện hoặc khiếu nại đến Cục trưởng Cục
THA dân sự tỉnh hoặc khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định pháp luật.