Kênh Lấp sẽ góp phần giải quyết thiếu nước ngọt mùa khô cho Ba Tri

04/05/2016 - 07:14

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo (đứng thứ nhất, từ phải sang), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Duy Hải (đứng thứ hai, từ trái sang) cùng đoàn thị sát ở khu vực kênh Lấp. Ảnh: Mã Phương

Sáng 3-5-2016, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo đã dẫn đầu đoàn khảo sát đến thị sát thực địa khu vực kênh Lấp - một dòng kênh có chiều dài hơn 14,6km, từ thị trấn Ba Tri đi qua nhiều xã, với điểm cuối là xã Tân Xuân. Tổng diện tích mặt nước của dòng kênh này hơn 60ha. Đây là nơi dự kiến sẽ thực hiện dự án trữ khoảng 1 triệu m3 nước ngọt, đủ dùng cả năm cho hơn 180 ngàn người dân huyện Ba Tri.

Một điều kiện không thể tốt hơn

Kênh Lấp được đào từ đầu thế kỷ XX (thời Pháp thuộc), nhằm mục đích nối liền giao thông thủy từ sông Hàm Luông đến sông Ba Lai. Tuy nhiên, sau khi đào xong, lượng nước từ sông Hàm Luông đổ về Ba Lai quá lớn tạo ra dòng chảy mạnh gây sạt lở lớn hai bên bờ sông. Trước tình hình đó, chính quyền đã cho dân đắp bít hai đầu kênh và thành kênh Lấp.

Trong suốt hơn 1 thế kỷ qua, dòng kênh này gần như chưa được khai thác đúng mức với tiềm năng của nó. Thậm chí chính quyền huyện Ba Tri đã cho người dân thuê để đắp bờ thành những khu vực cục bộ nuôi cá, nuôi vịt; những đoạn còn lại chỉ để người dân khai thác cá thiên nhiên. Tuy rằng đã đắp bít hai đầu kênh nhưng vẫn bị một số dòng chảy tiểu ngạch đưa nước mặn vào trong mùa khô. Vì vậy, khi người dân Ba Tri khan hiếm nước ngọt sử dụng cũng không thể nhờ cậy gì được hồ nước khổng lồ này.

Theo ông Nguyễn Văn Lai - Bí thư Huyện ủy Ba Tri, dự kiến sẽ đóng bít hai đầu để sử dụng đoạn từ xã Vĩnh Hòa tới Tân Xuân, dài khoảng 7km, ngang khoảng 70m. Nếu có đoạn trữ nước này sẽ cung cấp cho một số xã ven biển như An Thủy, Tân Thủy, Bảo Thuận, Bảo Thạnh... và trường hợp nếu nước thô vào Nhà máy nước Ba Lai bị mặn sẽ dùng nước này để pha vào. Tuy nhiên, kinh phí sẽ rất lớn nếu thực hiện nạo vét tuyến kênh này cùng với 3 cống vĩnh cửu để ngăn mặn khi cần thiết.

Ông Dương Minh Tùng - Chủ tịch UBND huyện Ba Tri thông tin thêm, hiện đã có doanh nghiệp có ý định đầu tư (riêng 3 cống sẽ do Nhà nước đầu tư) nạo vét, quản lý và sau đó sẽ phối hợp với Trung tâm Nước và Vệ sinh môi trường để cung cấp nước cho dân theo biên độ hòa mạng đường ống nước của họ. Mặt khác, vấn đề giải phóng mặt bằng cũng sẽ dễ triển khai do ven hai bên bờ đê dân cư rất ít và người dân có đất ở khu vực này cũng rất đồng tình với dự án.

Đoàn thị sát khu vực kênh Lấp. Ảnh: M. Phương

Hiện nay, dự án này đã được Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Bến Tre thiết kế thi công. Trong đó, sẽ nạo vét 400 ngàn m3 đất lên ven bờ tạo thành hành lang bảo vệ kiên cố bảo vệ hồ nước an toàn trước các dòng nước đầy thuốc trừ sâu, phân hóa học từ các cánh đồng lúa đổ ra. Sau khi nạo vét, hồ sẽ chứa được hơn 1 triệu m3/năm, lượng nước này dư cung cấp cho toàn bộ dân Ba Tri (nhu cầu khoảng 520 ngàn m3 của 200 ngàn người dân trong năm).

“Qua khảo sát, chúng tôi thấy vấn đề nước thải sinh hoạt từ dân chưa đáng ngại. Trong khi đó, nước thải mang thuốc, phân từ đồng ruộng là rất phức tạp và cần có giải pháp. Riêng 3 công trình cống và nạo vét, đền bù khoảng 70 tỷ đồng nhưng nếu dùng các cống đập tạm thì giá trị sẽ thấp hơn như thế rất nhiều. Trong khi nước dẫn xả từ đồng ruộng được cho ra các kênh nhỏ len lỏi trong nội đồng và đẳng lập hoàn toàn với hồ nước này” - kỹ sư Nguyễn Hữu Phúc đại diện công ty này cho biết.  

Phải do Nhà nước quản lý hồ nước này

Hiệu quả dự án này mang lại cho dân Ba Tri là điều có thể hình dung rõ, tuy nhiên việc bố trí vốn từ ngân sách tỉnh trong điều kiện hiện nay là rất khó khăn. Khó khăn khác là các danh mục đầu tư trong sử dụng nguồn vốn trung hạn đã được Trung ương phê duyệt. Trong khi đó, nếu kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và toàn quyền quản lý khai khác hồ nước này sẽ sinh ra một hệ lụy xã hội tại địa phương rõ ràng là không hề nhỏ. Vấn đề này được ông Nguyễn Trúc Sơn -  Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sở đã trình kế hoạch thực hiện dự án này cho UBND tỉnh và kinh phí là 90 tỷ đồng. Trong đó, sẽ tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương chi cho các công trình tạm để đối phó trong đợt thiên tai năm 2016, mặt khác sẽ xin Trung ương điều chỉnh một số dự án trong kế hoạch trung hạn để đầu tư cho công trình này.

Ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sự cần thiết nạo vét để trữ 1 triệu m3 nước ngọt trong hồ này thì không cần bàn thêm. “Nhất định hồ nước này phải do Nhà nước quản lý. Để khai thác dự án có hiệu quả hơn, chúng tôi dự định sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy nước để khai thác kinh tế hồ nước được tốt hơn. Tuy nhiên, cư dân Ba Tri nếu có điều kiện vận chuyển nước thô từ hồ này về sử dụng thì họ vẫn có đủ quyền để làm việc đó” - ông Lâm khẳng định.

Sau chuyến thị sát thực địa, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo đánh giá kênh Lấp hiện còn hoang sơ và nhiều tiềm năng để trữ nước ngọt với lượng lớn phục vụ cho dân khu vực này. Bí thư Tỉnh ủy giao UBND tỉnh chủ trì thực hiện dự án hồ trữ nước 1 triệu m3 này; đề nghị trước mắt cần nhanh chóng giải bài toán về nguồn vốn để khẩn trương thực hiện, đảm bảo sang năm 2017, người dân Ba Tri sẽ không còn hộ nào thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. 

Ông Võ Thành Hạo cũng yêu cầu cần tính toán kế hoạch bảo vệ môi trường, chất lượng nước và sinh kế cho người dân thật cụ thể và các cống điều tiết (dù tạm hay vĩnh cửu) cũng phải linh hoạt dòng chảy theo ý muốn tích cực, nghĩa là giải quyết được vấn đề thiếu nước ngọt mùa khô, cũng như các mục đích khác của người dân. “Hồ nước này có ý nghĩa về sinh kế cho người dân Ba Tri rất lớn nên tỉnh sẽ quyết tâm đầu tư dự án này. Tôi mong rằng sang năm 2017, toàn dân Ba Tri sẽ không còn bị thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất như hiện nay. Và trong khi thực hiện dự án này, các sở, ngành chuyên môn và các địa phương mà vẫn còn tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô như Ba Tri cũng nên sớm nghiên cứu để xác định giải pháp giúp người dân địa phương đủ nước ngọt sử dụng trong năm” - Bí thư Tỉnh ủy nói.

Thiên tai hạn mặn năm 2016 đã làm cho huyện Ba Tri thiệt hại hơn 12 ngàn héc-ta lúa Đông Xuân, hơn 100 ngàn gia súc thiếu nước uống, sản xuất của hơn 200 cơ sở kinh tế tiểu thủ công nghiệp bị đình trệ do thiếu nước ngọt, hàng ngàn người không đủ nước ngọt sinh hoạt… Một trong những giải pháp căn bản và sẽ có hiệu quả lâu dài để giúp người dân Ba Tri (giải pháp này cũng sẽ tiến hành đối với các huyện biển còn lại) “nói không” với việc thiếu nước ngọt trong mùa khô chính là trữ nước ngọt trong một hồ có sức chứa lớn. 

Việt Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN