Kết nối thị trường cho chôm chôm Phú Phụng

30/10/2012 - 15:27

GlobalGAP là tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt trong quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. 36 hộ trồng chôm chôm (ở ấp Phụng Đức B - xã Phú Phụng - Chợ Lách) được Dự án DBRP Bến Tre và một số sở, ngành liên quan hỗ trợ triển khai quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn này. Tháng 6-2011, cùng với doanh nghiệp tư nhân Chánh Thu (Chợ Lách), Tổ liên kết sản xuất chôm chôm ấp Phụng Đức B được công nhận đạt chứng nhận GlobalGAP.

Trong quá trình xây dựng mô hình, các thành viên của Tổ liên kết được tập huấn quy trình canh tác đúng kỹ thuật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, loại phân bón trong danh mục và được trang bị các loại bảo hộ lao động... Ông Trần Hoàng Sở - Tổ phó Tổ liên kết cho biết, việc đạt chứng nhận GlobalGAP đã giúp thành viên của Tổ nâng cao nhận thức về sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, chôm chôm xuất khẩu được sang thị trường Mỹ, châu Âu, nên tạo được sự phấn khởi cho Tổ và cả các nông hộ trồng chôm chôm quanh vùng.

Nhưng, gần hai mùa chôm chôm đi qua, niềm vui của người trồng chôm chôm ở Phụng Đức B chưa trọn vẹn. Mắc mứu của vấn đề chính là khâu hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) Chánh Thu và Tổ liên kết. Theo ông Nguyễn Văn Thạch - Tổ trưởng Tổ liên kết, quá trình tiêu thụ sản phẩm, DN Chánh Thu không mua hết sản lượng (của 1 hộ chẳng hạn) nên phần còn lại nông dân rất khó bán và bị thương lái ép giá. Vụ mùa năm 2011, doanh nghiệp chỉ mua khoảng 20 tấn chôm chôm theo cách này, trong khi sản lượng của Tổ khoảng 500 tấn, nên nông dân gặp nhiều khó khăn.

DN Chánh Thu là đơn vị hỗ trợ kinh phí cho Tổ liên kết làm chứng nhận GlobalGAP nên sở hữu hoàn toàn chứng nhận này. Nông dân không phải tốn chi phí nhưng điều này lại gây khó khăn cho họ trong việc bán sản phẩm cho các DN khác. Trong năm 2011, một số DN ở TP. Hồ Chí Minh đồng ý chia sẻ lợi nhuận với DN Chánh Thu để được mua chôm chôm có chứng nhận GlobalGAP, nhưng đã bị từ chối, dù DN Chánh Thu chỉ mua khoảng 3% sản lượng chôm chôm của Tổ. Ông Lê Văn Gia Nhỏ -  chuyên gia phát triển dịch vụ kinh doanh nông thôn của Dự án DBRP Bến Tre cho biết, trong mùa vụ 2011, DN Chánh Thu đã tìm đến nhóm nông dân sản xuất chôm chôm theo chuẩn VietGAP ở Châu Thành để mua hàng trong khi chôm chôm của nông dân Phú Phụng lại “ế thừa”?.

Việc thành lập nhóm hợp tác và liên kết với DN nhằm hướng tới mục tiêu là đạt quy trình khép kín từ khâu sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho cả nông dân và DN. Tổ liên kết chôm chôm Phụng Đức B và DN Chánh Thu chưa tìm được tiếng nói chung là vấn đề đáng tiếc, khi cả hai bên đều đã đạt được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP. Vì điều này mà mới đây, Dự án DBRP Bến Tre đã tổ chức hội thảo về bao tiêu sản phẩm chôm chôm đạt chuẩn GlobalGAP, tại xã Phú Phụng như là nhịp nối để hai bên cùng tìm được tiếng nói chung. Phía Tổ liên kết yêu cầu DN nên tổ chức lại khâu thu mua hợp lý hơn. Chẳng hạn, khi mua vườn nào thì nên mua hết sản lượng của vườn đó và mua xô, không mua lựa. DN cũng cần có thông tin rõ ràng hơn về giá cả, người thu mua.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc DN Chánh Thu cho biết, Chánh Thu là nhà cung cấp chôm chôm cho nhà xuất khẩu, chứ chưa phải là DN xuất khẩu trực tiếp. Năm 2011, DN cung cấp 500 tấn chôm chôm xuất khẩu sang Mỹ cũng chỉ với hình thức này. Chính vì vậy, giải pháp mà DN đưa ra là sẽ đưa khách hàng đến mua trực tiếp, khi đó DN và nông dân cùng là người cung cấp cho khách hàng. DN cũng sẽ tổ chức một tổ kỹ thuật để hỗ trợ và theo dõi từng vườn của Tổ liên kết để có kế hoạch thu mua. Đặc biệt, Tổ liên kết phải sản xuất rải vụ, vì hiện tại, chôm chôm ở Phụng Đức B chủ yếu thu hoạch vào tháng 9 và 10 nên khó đáp ứng đơn đặt hàng xuất khẩu.

Tái chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP lần thứ hai đang là vấn đề đặt ra. Theo bà Hồng Thu, DN Chánh Thu sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 140 triệu đồng cho phía DN. Còn phía DBRP Bến Tre, ông Nguyễn Trúc Sơn - Giám đốc Dự án cho biết, Dự án sẽ hỗ trợ kinh phí (80 triệu đồng) cùng với Sở Khoa học và Công nghệ thuê chuyên gia đánh giá để tái chứng nhận cho Tổ liên kết. Song song với kế hoạch này, Văn phòng Dự án huyện kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách giúp Tổ liên kết sớm thành lập Tổ hợp tác theo Nghị định 151 để lấy tư cách pháp nhân sở hữu chứng nhận GlobalGAP. Tập huấn về kiến thức khởi sự doanh nghiệp, thị trường, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực cho lãnh đạo; hỗ trợ tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm chôm chôm Phú Phụng trên các trang web là những nội dung sẽ được Dự án tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN