Kết quả qua 8 tháng tổ chức đánh bắt xa bờ theo tổ, đội

30/08/2012 - 17:13
Đoàn cán bộ nghề cá Việt Nam thăm ngư dân đánh bắt ở Cảng cá Bình Đại.

Bến Tre là tỉnh nằm cuối nguồn sông Mê-Kông, có tiềm năng, thế mạnh về thủy sản rất lớn. Ngoài nuôi trồng, hoạt động đánh bắt đã hình thành từ rất sớm với nhiều nghề truyền thống lâu đời như cào xiêm, lưới đèn, lưới sĩ.

Hiện, toàn tỉnh có trên 1.200 tàu đóng mới được đưa vào hoạt động, nâng đội tàu khai thác toàn tỉnh lên 4.300 tàu, trong đó đã đăng ký 3.947 chiếc với tổng công suất 731.714 CV, bình quân công suất đạt 360CV/tàu. Nghề cào là nghề chủ lực, với 2.738 chiếc. Đội tàu hoạt động chủ yếu ở biển Đông, Tây Nam Bộ, vùng giáp ranh trên biển phía Nam và Tây. Năm 2011, sản lượng đánh bắt đạt 135 ngàn tấn, 6 tháng đầu năm 2012 con số này đạt 86 ngàn tấn, ước năm 2012 đạt 137 ngàn tấn.

Trước đây, ngư dân tự tổ chức đánh bắt theo hình thức hộ gia đình, có nhiều bất lợi trong chi phí nhiên liệu, nhân công, nhất là tiêu thụ sản phẩm. Năm 1998, mô hình liên kết trong đánh bắt xuất hiện ở nghề lưới vây kết hợp ánh sáng, do ngư dân tự phát hình thành. Chủ yếu trong liên kết này là ngư dân sắp xếp thời gian vận chuyển sản phẩm đánh bắt được vào bờ, ít tốn chi chí vận chuyển. Đến năm 2006, toàn tỉnh có 4 tổ đội, với nghề lưới vây kết hợp ánh sáng, gồm 23 tàu. Đối với nghề cào đôi, từ năm 2001 ngư dân đã bắt đầu hình thành một số tổ đội liên kết đánh bắt. Mục đích chủ yếu là hỗ trợ nhau trong khai thác, như: tìm kiếm ngư trường, khắc phục sự cố, tai nạn trên biển. Năm 2006, toàn tỉnh có 4 tổ đội hành nghề cào đôi liên kết hoạt động với 22 chiếc. Nghề cào đơn hoạt động tập trung ở ngư trường Cà Mau từ năm 2004 cũng đã bắt đầu liên kết với mục đích đối phó với giá xăng dầu tăng mạnh. Các chủ tàu tổ chức luân phiên chuyển cá vào bờ và chuyển hậu cần, nhiên liệu trở ra biển. Dù vậy, hoạt động đánh bắt thủy sản trong thời gian qua vẫn còn đơn lẻ. Để tổ chức đánh bắt theo tổ đội đạt hiệu quả cao, đầu năm 2012 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức triển khai thành lập tổ đội đánh bắt xa bờ theo sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Theo kế hoạch, năm 2012 toàn tỉnh tổ chức vận động thành lập tổ đội sản xuất đạt 50%, năm 2013 đạt 60%, năm 2014 đạt 70%, trong đó năm 2012 xây dựng 5 mô hình. Đến tháng 8-2012, toàn tỉnh tổ chức được 52 tổ đội, có 205 hộ tham gia với 353 tàu đánh bắt xa bờ. Trong đó, Ba Tri có 33 tổ, Bình Đại 16 tổ, Thạnh Phú 2 tổ, Giồng Trôm 1 tổ.

UBND tỉnh đồng ý cho Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản xây dựng mô hình nâng cao hiệu quả bảo quản và vận chuyển sản phẩm trong hoạt động khai thác thủy sản theo tổ, đội đánh bắt xa bờ.

(Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh)

Qua thời gian triển khai thực hiện cho thấy ngư dân đã thực sự quan tâm đến hình thức tổ, đội sản xuất, với mục đích hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động khai thác. Tuy nhiên, do đây là phương thức sản xuất mới nên hầu hết các địa phương chưa xác định được trách nhiệm trong tổ chức vận động, chưa có phương án, kế hoạch tổ chức hoạt động. Các chính sách hỗ trợ chưa thật sự kích thích ngư dân tham gia tổ đội sản xuất về khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai, nhưng đến nay không có chủ tàu đăng ký do không có nghề khai thác phù hợp. Chính sách hỗ trợ nhằm hạn chế tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định 63 của Thủ tướng Chính phủ đến nay vẫn chưa triển khai.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Chương trình đánh bắt xa bờ theo tổ, đội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước với mục đích nhằm hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt ngày càng có hiệu quả hơn, hạn chế các thiệt hại rủi ro, góp phần tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việc đánh bắt theo tổ, đội giúp ngư dân chia sẻ thông tin, hỗ trợ xử lý rủi ro, khắc phục khó khăn trong quá trình đầu tư, khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, phần lớn các tổ, đội chỉ mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, có chiều sâu. Cho nên, các địa phương cần tích cực hơn trong chỉ đạo, vận động, tổ chức thực hiện với nhiều hình thức, để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả, năng lực khai thác. Cần có biện pháp tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để ngư dân học tập rút kinh nghiệm từ các tổ, đội hoạt động tốt để áp dụng nhân rộng. Đối với các tổ, đội đã thành lập nên xúc tiến việc mở rộng qui mô, đa dạng các phương thức, lĩnh vực hợp tác để hiệu quả ngày càng cao. Các tổ, đội hoạt động chưa có chiều sâu cần quan tâm tìm hiểu, có biện pháp hỗ trợ, làm sao để ngư dân hợp tác khai thác hiệu quả, tương trợ tốt, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro. Cần nghiên cứu, phát thảo dần định hướng sao cho nghề khai thác thủy sản ngày càng có qui mô, có tính công nghiệp để có cơ hội vươn xa. Cần rà soát lại các chính sách, qui định hỗ trợ của Trung ương để tiếp tục triển khai, hướng dẫn ngư dân tích cực áp dụng. Trong đó, vấn đề gì chưa phù hợp, khó khăn tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ. Nghiên cứu tổ chức các buổi gặp gỡ định kỳ 6 tháng hoặc hàng năm giữa lãnh đạo với ngư dân để cùng tìm hiểu thông tin hỗ trợ phát triển.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN