Tỷ lệ lạm phát năm 2007 xấp xỉ 11-12%, cao hơn các nước trong khu vực những năm gần đây. Điều này khiến các nhà kinh tế giật mình nhìn nhận lại hàng loạt vấn đề liên quan như chính sách tiền tệ, điều hành kinh tế vĩ mô…
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước khoảng trên 10,5-11%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ước đạt 8,5%) đã đẩy lạm phát năm 2007 tăng cao. Dự báo CPI năm 2008 sẽ trong khoảng 108,2-108,5% so với năm 2007.
FDI tăng vọt - lợi bất cập hại?
Theo TS Kenichi Ohno (Diễn đàn phát triển Việt Nam VDF): “Đón nhận một lượng vốn lớn từ bên ngoài là nguyên nhân cơ bản của tình trạng lạm phát hiện nay, nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất”.
TS Kenichi Ohno phân tích: Khi mà ngày càng nhiều nước đối mặt với hội chứng dư thừa dòng vốn đầu tư chảy vào, một số bài học có thể gợi lại từ kinh nghiệm xương máu của cuộc khủng hoảng tài khoản vốn vào những năm 1990 và đầu 2000. Vấn đề quan trọng nhất là tình hình kinh tế vĩ mô cần được chẩn đoán chính xác vì nó tác động bởi dòng vốn đầu tư vào, không phải chỉ do tình trạng bất ổn trong nước hoặc khủng hoảng tài khoản vãng lai. Do vậy, cần tránh những biện pháp sai lầm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này. Dòng vốn đầu tư nước ngoài cần được được kiểm soát đúng và điều chỉnh nếu cần thiết trong quá trình tự do hoá tài khoản vốn.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Hiền – nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, FDI đổ vào lúc này là việc khó tránh khỏi vì Việt Nam đang là điểm có môi trường đầu tư rất tốt. Có chính sách đối với lượng FDI lớn cũng là một yêu cầu đặt ra hiện nay. Cơ cấu đầu tư của Việt Nam còn nhiều điểm mất cân đối, như dồn vào đô thị, nhà hàng, bất động sản… Chính phủ cần hướng đầu tư tới những lĩnh vực khác mà mình đang cần như xây dựng hạ tầng, đường xá. Khi đó, đầu tư không phải là một khủng hoảng mà trên thế giới nhiều nước cần những cơ hội đó.
Đồng tình với quan điểm này, ông Kenichi Ohno cho rằng, chính sách điều tiết FDI như một con dao hai lưỡi, vì nếu có quá nhiều can thiệp và kiểm soát có thể lại tạo thành rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài, và có thể dẫn đến bỏ lỡ các cơ hội thu hút vốn nước ngoài. Việt Nam nên bắt đầu nghiên cứu về các lựa chọn chính sách cụ thể để có thể bình ổn dòng vốn nước ngoài và kiểm soát những rủi ro dẫn đến khủng hoảng tài khoản vốn mà không phải hi sinh các tiềm năng phát triển của mình.