|
Dòng nước Kênh Ngang (xã Thới Thạnh) giờ đây đã không còn bị ô nhiễm. Ảnh: PV |
Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, nguồn nước khu vực kênh “Dự án 418” bị ô nhiễm nhưng chưa xác định được nguyên nhân. Một số người dân ở các xã Thới Thạnh, Hòa Lợi, Mỹ Hưng… thuộc huyện Thạnh Phú lo ngại ô nhiễm môi trường sẽ gây thiệt hại cho chăn nuôi, sản xuất. Phóng viên Báo Đồng Khởi đã liên hệ với cơ quan chức năng và có thông tin về vấn đề này.
Ô nhiễm dòng nước
Dự án Thủy lợi Hương Mỹ - Quới Điền (người dân địa phương thường gọi là Dự án 418), gồm một số xã thuộc huyện Mỏ Cày Nam (Hương Mỹ, An Thới…) và một số xã thuộc huyện Thạnh Phú (Thới Thạnh, Hòa Lợi, Quới Điền, Phú Khánh, Đại Điền, Mỹ Hưng…) được đưa vào sử dụng và đạt hiệu quả đã lâu. Dự án này có 2 con kênh dẫn nước ra sông: kênh Phụ Nữ đổ ra sông Cổ Chiên và kênh Chín Thước đổ ra sông Hàm Luông.
Khoảng 2 tháng trước đây, nước tại các con kênh thuộc khu vực các ấp Xương Thới A, Xương Long, Xương Thạnh A (Thới Thạnh - Thạnh Phú) bị ô nhiễm, người dân đã phản ánh với chính quyền địa phương. Sau đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạnh Phú đã cử cán bộ tới hiện trường khảo sát nguyên nhân gây ô nhiễm. Theo biên bản làm việc và xác nhận của các hộ dân tại ấp Xương Thạnh A, ấp Xương Thới A (Thới Thạnh) và một số hộ thuộc ấp Mỹ Đức, xã Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam) tiếp giáp với Thới Thạnh: nguồn nước kênh Phụ Nữ bị xác động vật chết (heo, gà, vịt) vứt xuống kênh đang trong thời kỳ phân hủy đã gây nên ô nhiễm.
Ông Trương Văn Hoài - công chức Nông nghiệp - Môi trường xã Thới Thạnh cho biết: “Lúc xảy ra ô nhiễm, dòng nước theo kênh Phụ Nữ từ Hương Mỹ chảy tới xã có mang theo xác heo, gà chết nổi lềnh bềnh vướng vào cây, cỏ dưới lòng mương rạch rất nhiều. Giờ đã được xử lý xong”. Ông Lâm Văn Hoàng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú đánh giá: “Xảy ra ô nhiễm nguồn nước là do xác động vật vứt xuống lòng kênh. Nhưng thực tế, số xác động vật này không hẳn là do người dân ở xã Hương Mỹ vứt xuống kênh rồi trôi theo dòng nước, mà cũng có một số ít người dân địa phương xã gây ra”. Ông Hoàng cũng khẳng định, không xảy ra ô nhiễm nguồn nước do bị lây lan từ nước nuôi tôm bị ô nhiễm. Đây là vùng ngọt hóa và các ngành chức năng huyện, xã đã thực hiện nghiêm chủ trương của tỉnh về cấm nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa.
Trả lại dòng sông trong sạch
Sau khi xảy ra ô nhiễm, các ngành chức năng huyện Thạnh Phú và xã Thới Thạnh, Hòa Lợi đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân địa phương thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường. Các ngành, đoàn thể xã đã phối hợp tổ chức vớt xác động vật dưới lòng kênh để tiêu hủy; công việc này được thực hiện trong nhiều ngày liền.
Khảo sát vòng quanh xã, ghi nhận của chúng tôi là không còn mùi hôi thối xảy ra, người dân không còn phản ánh ô nhiễm môi trường nữa. Dòng nước Kênh Ngang (ấp Xương Thạnh A), nơi trước đây có nhiều xác động vật trôi trên sông giờ đã trở lại bình thường, dòng chảy này đang mang phù sa và nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Bà Lâm Thị Hoàng Lan - Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh cho biết: “Xã đã tuyên truyền đến khắp 81 tổ nhân dân tự quản qua bản tin của Ban Tuyên giáo xã. Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể đã tăng cường công tác vận động, kiểm tra bảo vệ môi trường trong toàn xã”.
Ô nhiễm môi trường do xác động vật vứt bừa bãi xuống kênh, mương khu vực “Dự án 418” đã được các ngành chức năng huyện Thạnh Phú và các xã liên quan khắc phục. Để tránh trường hợp tái diễn ô nhiễm môi trường xảy ra và để bảo vệ môi trường chung, các ngành chức năng huyện Thạnh Phú và Mỏ Cày Nam cần có sự phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường.