Khắc phục tình trạng nể nang trong xét xử án hành chính

20/03/2023 - 13:25

Chất vấn lĩnh vực tòa án tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20-3-2023, nhiều đại biểu quan tâm đến việc nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhận định tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao; đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải thích lý do.

"Phải chăng còn có lý do là một bộ phận thẩm phán có tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm bởi bên bị kiện chủ yếu là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính," đại biểu chất vấn.

Theo đại biểu, các vụ án hành chính đang tăng về số lượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết.

Đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đánh giá về tính khả thi và nguồn lực của Tòa án trong thực hiện đề xuất này?

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trả lời chất vấn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết đang có nhiều tồn tại xung quanh án hành chính.

Quốc hội cho phép tỷ lệ án hủy, sửa là 1,5% nhưng thực tế lên tới 4%. “Việc nể nang là có thật nhưng không nhiều,” Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh.

Cho rằng đa số thẩm phán phát huy bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, xét xử nghiêm túc, Chánh án cho rằng, việc nể nang không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hủy, sửa án cao.

Nguyên nhân chính là do việc cung cấp tài liệu của Ủy ban Nhân dân các cấp cho người dân không đầy đủ, trong khi việc chuẩn bị tài liệu đủ hay không ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân bởi sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính rất hạn chế.

“Luật Tố tụng hành chính quy định Chủ tịch Ủy ban Nhân dân khi bị kiện phải ra tòa, nếu ủy quyền chỉ được ủy quyền cho cấp phó, nhưng ở cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thường rất nhiều việc nên thời gian ra tòa hạn chế, làm ảnh hưởng đến quyền của người dân,” Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Theo Chánh án, án hành chính bị chậm do việc tham gia phiên tòa của các Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh hạn chế và đây là nguyên nhân chính.

Về giải pháp, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, với việc cả nể, dù ít vẫn cần được đặt ra. "Nhiệm kỳ trước, chúng ta đã đổi mới tố tụng hành chính bằng cách, đối với vụ án mà huyện xử lý, giao tỉnh xử; vụ án của tỉnh, tỉnh vẫn xử. Lần này, chúng tôi sửa đổi có tòa chuyên trách, vụ án của tỉnh sẽ do tòa chuyên trách xử,” Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết.

Liên quan đến đề xuất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề cập “tất cả tranh chấp về đất đai giao tòa án xử,” Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích, theo luật hiện hành, người dân có thể lựa chọn khiếu nại lên Ủy ban Nhân dân hoặc kiện ra tòa. Do đó, nếu đưa hết ra tòa án sẽ hạn chế quyền của người dân trong việc lựa chọn hình thức xử lý.

“Nếu giải quyết tại Ủy ban Nhân dân sẽ có lợi là Ủy ban Nhân dân cấp dưới sai, Ủy ban Nhân dân cấp trên có thể sửa chữa ngay mà không cần đưa ra tòa, điều này rất tiện cho người dân. Trong xu thế hiện nay, không nên đưa hết việc này cho tòa án, do đó, đề nghị Quốc hội cân nhắc việc này,” Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thuỷ đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thuỷ đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quan tâm đến việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề nghị Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết kết quả triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến và những giải pháp khắc phục khó khăn trong tổ chức phiên tòa này.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết sau khi có nghị quyết của Quốc hội, ngành Tòa án đã hướng dẫn triển khai, tổ chức tập huấn, yêu cầu tất cả địa phương có phiên tòa trực tuyến mẫu để tham khảo.

Hiện nay, hơn 5.400 vụ án đã được xét xử trực tuyến ở 647 tòa án trên 63 tỉnh, thành. Hơn 500 tòa cấp huyện đã xét xử trực tuyến.

Việc xét xử trực tuyến đảm bảo công lý thực thi không chậm trễ, tạo điều kiện cho người ở xa, người ở nước ngoài tham gia phiên tòa; góp phần tiết kiệm nhiều nguồn lực trong tổ chức xét xử.

Hiện nay, khó khăn trong việc xét xử trực tuyến là cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội phê duyệt các chương trình liên quan để ngành Tòa án tiếp tục trang bị tốt hơn nữa cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Việc nâng cao kỹ năng chuyên môn trong xét xử cho đội ngũ cán bộ là việc cần thực hiện.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN