Khai mạc cuộc họp SOM Hội nghị Ủy ban điều phối Tam giác Phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia lần thứ 12

09/03/2019 - 20:06

Sáng 9-3-2019, cuộc họp cấp chuyên viên (SOM) trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 12 Ủy ban Điều phối chung Khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia (JCC CLV DTA) đã diễn ra tại tỉnh vùng biên Kratie (Campuchia).

Đoàn Việt Nam tại cuộc họp SOM. Ảnh: Nhóm P/v CQTT TTXVN tại Campuchia
Đoàn Việt Nam tại cuộc họp SOM. Ảnh: Nhóm P/v CQTT TTXVN tại Campuchia

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, cuộc họp SOM có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung cho báo cáo tại Hội nghị JCC CLV DTA lần thứ 12 khai mạc chính thức ngày 10-3-2019. 

Tham dự cuộc họp có Quốc vụ khanh Bộ thương mại Vương quốc Campuchia Sok Sopheak, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Lê Quang Mạnh, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongphan Savanphet. Thành viên đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị JCC CLV DTA 12 còn có đại diện đầu tư, thương mại Việt Nam tại Campuchia; đại biểu 5 tỉnh Việt Nam là Đắc Nông, Đắc Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Bình Phước, đại diện các bộ như Ngoại giao; Công an; Quốc phòng; Công Thương; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa,Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…

Một trong những mục tiêu chính của Hội nghị JCC CLV DTA 12 (từ ngày 7 đến 10-3-2019) là đánh giá tình hình triển khai thực hiện các cam kết của ba bộ trưởng tại Hội nghị lần thứ 11, nhận diện các khó khăn, từ đó đề xuất những biện pháp khắc phục và phương hướng hợp tác trong thời gian tới tại 13 tỉnh của khu vực Tam giác phát triển.

Phát biểu tại cuộc họp SOM, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho rằng sau cuộc họp ngày 8-3-2019 giữa các tiểu ban kinh tế, an ninh và ngoại giao; môi trường và điều phối cấp tỉnh ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, đại diện 3 nước sẽ cùng nhau tìm ra các giải pháp hữu hiệu, các sáng kiến thiết thực để kiến nghị lên 3 Chủ tịch Ủy ban điều phối 3 nước tại phiên họp ngày 10-3-2019. Ông Lê Quang Mạnh cho rằng đó sẽ là tiền đề hướng tới các thỏa thuận cấp cao, các chỉ đạo cụ thể thúc đẩy hợp tác phát triển khu vực Tam giác.

Hiện nay, những dự án lớp về hợp tác phát triển vùng biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã và đang được triển khai, đặc biệt trong các lĩnh vực thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, trồng và chế biến sản phẩm cây công nghiệp. Theo đánh giá chung của các chuyên gia, bước đầu 3 nước đã tạo được cơ chế chính sách thông thoáng thúc đẩy đầu tư, thương mại trong khu vực. 

Cho đến nay, Việt Nam đã có 49 dự án đầu tư trong khu vực Tam giác phát triển thuộc Campuchia với tổng vốn đăng ký là 1,63 tỷ USD. Con số tương tự trên lãnh thổ Lào là 1,97 tỷ USD với 67 dự án. Trong khi đó, 5 tỉnh của Việt Nam thuộc khu vực Tam giác Phát triển đã thu hút 233 dự án từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký là 2,3 tỷ USD.

Hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực bước đầu được hình thành, các tuyến giao thông được nâng cấp và mở rộng tuy nhiên còn chậm so với kế hoạch đề ra. Quá trình hợp tác giữa 3 nước chưa thực sự tạo ra được bước đột phá cho kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực. Nguồn lực dành cho đầu tư phát triển của mỗi nước còn hạn chế, hợp tác thương mại còn nhiều bất cập, các chính sách thuế và thủ tục đầu tư chưa nhất quán. 

Nhìn nhận chặng đường hợp tác từ Hội nghị cấp cao Hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 vào tháng 3/2018 tại Hà Nội, dù còn nhiều khó khăn nhưng 13 tỉnh của ba nước đã không ngừng vươn lên, tỷ lệ đói nghèo giảm đáng kể.

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 10, Thủ tướng ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia đã ký Tuyên bố chung thể hiện quyết tâm xây dựng khu vực Tam giác Phát triển CLV năng động, thịnh vượng, phát triển bền vững; đồng thời tiến hành những hoạt động thiết thực để kỷ niệm 20 năm hợp tác Tam giác Phát triển CLV trong năm 2019.

Tam giác phát triển khu vực biên giới Campuchia, Lào và Việt Nam được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập vào năm 1999, gồm 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Đắc Nông (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan (Lào) và Stung Treng, Rattanakiri, Mondulkiri (Campuchia). Năm 2009, ba nước nhất trí bổ sung tỉnh Bình Phước (Việt Nam), tỉnh Kratie (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào) vào Tam giác Phát triển CLV.

Mục tiêu của việc hình thành Tam giác Phát triển CLV là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Hợp tác khu vực Tam giác Phát triển CLV tập trung vào các lĩnh vực: an ninh - đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…

Việt Nam tham gia rất tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng đối với Tam giác phát triển CLV. Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào các tỉnh của Lào, Campuchia thuộc khu vực Tam giác Phát triển với 113 dự án với tổng vốn đăng ký là gần 4 tỷ USD.

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN