Khai mạc Đại hội VIII Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bến Tre, nhiệm kỳ 2015-2020

23/10/2015 - 07:02

Đồng chí Bùi Văn Chương - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (thứ 5, từ trái sang) tặng hoa cho Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới. Ảnh: T. Long

  • Những tiếng nói từ đại hội

Hôm nay, ngày 23-10-2015, Đại hội VIII Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bến Tre long trọng khai mạc. Nội dung chương trình làm việc gồm: Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2010-2015 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020; Báo cáo bản tự phê bình của Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, nhiệm kỳ 2010-2015; Thảo luận và biểu quyết Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020...

Chiều 22-10-2015, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bến Tre đã tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015-2020, với sự tham dự của các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, cùng 120/150 đại biểu được triệu tập.

Với tinh thần làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Đại hội VIII Hội Nhà báo tỉnh đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa VIII, nhiệm kỳ 2015-2020, gồm 10 ủy viên.

Ban Chấp hành khóa mới tiến hành họp phiên thứ nhất, bầu ông Trần Cao Tư - Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre giữ chức Chủ tịch; 2 Phó Chủ tịch là ông Nguyễn Văn Bảy và ông Huỳnh Văn Thanh; bầu Ủy ban Kiểm tra gồm 5 thành viên, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra là ông Huỳnh Văn Thanh.

Những tiếng nói từ đại hội

Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra trong 2 ngày (22 và 23-10-2015). Báo Đồng Khởi xin lược trích giới thiệu một số tham luận, báo cáo trình bày tại đại hội.

Phát huy vai trò tổ chức hội

... Để phát huy hơn nữa vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Hội Nhà báo tỉnh đặt ra là tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội trong thời kỳ mới, trong đó tập trung vào việc đổi mới phương thức hoạt động và thu hút rộng rãi các nhà báo vào tổ chức Hội. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới và Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư (khóa IX), góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng báo chí, phục vụ sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong giai đoạn 2015-2020, Hội Nhà báo tỉnh chú trọng giữ vững và nâng cao chất lượng các giải báo chí và các hoạt động thường niên, như: Hội báo Xuân, Giải báo chí Xuân, Giải báo chí Sương Nguyệt Anh, tuyển chọn tác phẩm báo chí chất lượng cao, tham gia đầy đủ các giải báo chí quốc gia, nhằm tạo sân chơi cho các “chiến sĩ” trên mặt trận báo chí. Thông qua các tác phẩm báo chí, các hội viên có thể tuyên truyền và bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đi sâu thực tiễn đời sống, thể hiện một cách sinh động, có trọng tâm về kết quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Hội Nhà Báo tỉnh sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về tinh thần Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống, trong đó chú trọng lĩnh vực kinh tế - xã hội, cải cách hành chính và công tác xây dựng Đảng.

Quan tâm hơn đến trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ người làm báo là nhiệm vụ trọng tâm được Hội Nhà báo tỉnh quan tâm triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đó, Hội sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các chi hội thường xuyên tổ chức cho các hội viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho hội viên.

Từ những kết quả đạt được và nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong nhiệm kỳ mới, tin rằng, Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre sẽ tập hợp, xây dựng và phát triển những người làm báo, thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức Hội, từng bước khẳng định vị trí và trách nhiệm đối với sự nghiệp báo chí của tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung.

Tường Vy (lược trích)

Xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới

… Để có thể tạo ra nguồn phóng viên giỏi, đủ tài và đức, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, không chỉ các trường đào tạo, các ngành chức năng quản lý, từng cơ quan báo chí mà còn bản thân phóng viên, biên tập viên. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, cơ quan quản lý báo chí với từng tòa soạn nhằm nghiên cứu, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, động viên phóng viên, biên tập viên tăng cường bản lĩnh chính trị, rèn luyện nghiệp vụ, đa năng trong tác nghiệp, đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh, đúng, chính xác và đa dạng của ngành cũng như nhu cầu thông tin ngày càng cao của xã hội. Tăng cường và cải tiến chương trình đào tạo lý luận chính trị theo hướng mở rộng về đối tượng và linh động về thời gian, địa điểm phù hợp với đặc thù công tác của người làm báo.

Những kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ được đào tạo, bồi dưỡng sẽ được phát huy tốt trong thực tiễn khi bản thân phóng viên, biên tập viên có trách nhiệm, ý thức được nghề nghiệp của mình để không ngừng phấn đấu, vươn lên. Điều thấy rõ nhất là tuy ở trường báo chí, người ta đào tạo các học viên như nhau, nhưng khi ra trường thì mỗi người lại làm việc và viết ra những bài báo chất lượng rất khác nhau. Vì sao? Vì năng khiếu, kỹ năng của mỗi người khác nhau và tri thức của họ cũng khác nhau. Quá trình phấn đấu để trở thành nhà báo giỏi rất gian nan, vất vả, vì người đó phải rèn luyện suốt cả cuộc đời, phải sẵn sàng vào chỗ hiểm nguy nhưng có khi chỉ một lần sơ sẩy là tan tành sự nghiệp. Với nhà báo, tự mãn chẳng khác gì tự sát.

Bởi vậy, điều quan trọng đối với nhà báo là “luôn củng cố, bồi đắp, bổ sung các phẩm chất và tri thức trong hoạt động thực tiễn, kiểm tra nó trong sự trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp” và phải có lòng yêu nghề, để từ đó “dấn thân vào là phải chịu vất vả, nhọc nhằn cho đến khi… giã từ sự nghiệp cầm bút”. Nhưng chính vất vả và cực nhọc ấy đem lại cho anh ta hạnh phúc, niềm vui và vinh quang từ công chúng và lịch sử.

Đối với Báo Đồng Khởi, căn cứ vào biên chế được duyệt và quy định của Trung ương và Tỉnh ủy về cơ cấu tổ chức bộ máy, Báo đã từng bước sắp xếp, bố trí đội ngũ phù hợp nhằm phát huy tốt năng lực trí tuệ và sở trường của từng người. Tinh thần là tập trung nâng cao trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức của cán bộ, phóng viên, biên tập viên ở các bộ phận liên quan trực tiếp đến chất lượng nội dung tờ báo (2 phòng phóng viên và phòng thư ký tòa soạn). Thường xuyên quan tâm công tác xây dựng Đảng gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tăng cường củng cố khối đoàn kết nội bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Gắn quy hoạch, đề bạt, bố trí cán bộ với đào tạo, bồi dưỡng; tham dự các khóa bồi dưỡng do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức...

(Chi hội Báo Đồng Khởi)

Quyết vượt qua những cạnh tranh gay gắt để vươn lên

... Hoạt động báo chí của Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Bến Tre trong nhiệm kỳ qua đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Đài có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp báo chí của tỉnh và cả nước, luôn phấn đấu rèn luyện “trí sáng, tâm trong, bút sắc”, thực hiện sứ mệnh cao quý của người cầm bút, sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay, Đài PT-TH Bến Tre đang đứng trước sự cạnh tranh rất gay gắt. Các đài địa phương trong khu vực có điều kiện về kinh phí không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng hiện đại, thu hút và đào tạo đa dạng nguồn nhân lực để mở thêm nhiều chương trình mới. Đầu tư kinh phí sản xuất các chương trình văn nghệ giải trí như: ca nhạc, thiếu nhi, gameshow, mua phim chất lượng cao, phim mới sản xuất, hợp tác sản xuất chương trình, sản xuất phim…, có chiến lược thu hút quảng cáo, quảng bá chương trình, có chế độ môi giới hợp đồng, huê hồng tài trợ ưu đãi làm cho môi trường cạnh tranh hết sức phức tạp. Trong khi đó, hầu hết các chuyên mục của Đài PT-TH Bến Tre có hợp tác sản xuất với các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, nhưng bằng kinh phí nhà nước nên nguồn thu hạn chế. Các doanh nghiệp trong tỉnh hầu hết chỉ vừa và nhỏ nên cũng khó kêu gọi hợp tác sản xuất chương trình. Do vậy, Đài gặp khó khăn rất lớn trong việc mở rộng tầm hoạt động, chưa thể thu hút thêm nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao và đa dạng hóa hoạt động sản xuất chương trình…

Để đứng vững và phát triển trong điều kiện hiện nay, Đài PT-TH Bến Tre và những người làm báo của Đài phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, vị trí của mình trong điều kiện đầy khó khăn để đổi mới, vươn lên và hội nhập, cũng như tăng cường giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh người làm báo. Để làm được điều đó, lực lượng làm báo của Đài phải không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác quản lý, theo dõi để kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tác nghiệp và kiểm tra khâu cuối cùng sản phẩm trước khi phát sóng. Tiếp tục mở các lớp tập huấn hoặc đưa đi đào tạo ngắn hạn về chuyên môn, nghiệp vụ. Năng động trong công tác xã hội hóa các hoạt động tuyên truyền, sản xuất chương trình và hợp tác sản xuất…

(Chi hội Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre)

Cần quan tâm hơn hội viên nhà báo “đặc thù”

… Chi hội Thông tin - Văn nghệ là một tập hợp hội viên rất đặc thù của nhiều cơ quan, đa phần hoạt động chủ yếu là quản lý gồm: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Bến Tre, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Hội Nhà văn - Chi nhánh Bến Tre. Trong đó, lực lượng chuyên về báo chí rất mỏng; việc tập trung hội viên để sinh hoạt hoặc triển khai kịp thời các văn bản của Hội gặp nhiều khó khăn.

Vừa qua, các cuộc thi được Hội cấp trên phát động thì hầu như hội viên chi hội không có bài tham gia nào. Vấn đề này Chi hội đã nhiều lần mổ xẻ nhưng không có lối thoát, vì nếu theo thể lệ là bài, ảnh tham gia theo thể tài báo chí đều phải được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Ở tỉnh ta có 4 cơ quan được Bộ cấp phép thì 2 tạp chí chuyên ngành (Tạp chí Cao Đài và Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông) còn 2 cơ quan báo chí là Báo Đồng Khởi và Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre thì hội viên ở chi hội khó chen chân…

Để Chi hội Thông tin - Văn nghệ hoạt động có hiệu quả, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Hội Nhà báo tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, xin có những ý kiến sau đây:

Cần coi những sáng tác văn học nghệ thuật cũng là những “tác phẩm báo chí” góp phần xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người, hướng mọi người đến chân, thiện, mỹ cũng là góp phần xây dựng xã hội văn minh, sống có tình, có nghĩa. Trong thời gian phát động giải, đề nghị hội viên được gởi tác phẩm chưa được đăng tải đến Ban tổ chức, nếu xét thấy nội dung, chất lượng có thể tham dự được thì Hội Nhà báo đề xuất các ban biên tập báo chính thống sử dụng.

Nên thành lập các câu lạc bộ cộng tác viên trực thuộc Hội, vì ngoài lực lượng hội viên như hiện nay thì còn nhiều người hoạt động báo chí tự do mà không chịu sự quản lý của cơ quan nên không thể kết nạp hội viên do Điều lệ Hội không cho phép…

Về công tác tổ chức, đề nghị đại hội giải quyết một trong những hạn chế trong nhiệm kỳ qua là “Ban Chấp hành đa số là kiêm nhiệm phải gắn với công việc chuyên môn nên từng lúc hoạt động không đều tay”. Tăng cường hơn nữa sự đoàn kết, thống nhất, minh bạch trong Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới để Văn phòng Hội thực sự là ngôi nhà chung của những người làm báo tỉnh nhà.

(Chi hội Thông tin - Văn nghệ)

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN