.jpg)
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ (vị trí thứ 1, 2, 3, từ trái sang), Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn (bìa phải) tại Diễn đàn Mekong Connect 2022.
Tham dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ABCD Mekong, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.
Tỉnh Bến Tre có Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Trúc Sơn tham dự.
Diễn đàn do các tỉnh, thành trong mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp), TP. Hồ Chí Minh và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ tham quan các gian hàng tại Diễn đàn Mekong Connect 2022.
Hoạt động nổi bật của diễn đàn năm nay là Ngày hội khởi nghiệp - Phiên chợ khởi nghiệp xanh và 3 phiên thảo luận quan trọng, bao gồm: Chủ động nâng chất lượng liên kết tích hợp; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Bến Tre sẽ chủ trì phiên thảo luận chủ đề về “Phân tích kinh nghiệm thành công của các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn”.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường nhận định: Diễn đàn Mekong Connect 2022 là dịp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố, cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt các cơ hội, thách thức khi tham gia thị trường quốc tế và tăng cường liên kết, hợp tác để nâng cao lợi thế cạnh tranh, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Các địa phương, doanh nhân, doanh nghiệp, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước gặp gỡ xây dựng mối liên kết, thiết lập các mối quan hệ, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của mình.

Phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị - Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Phát biểu tại diễn đàn, Uỷ viên Bộ Chính Trị - Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao chủ đề của diễn đàn năm nay. Đây là nội dung được nhiều tỉnh, thành trong cả nước nói chung, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đặc biệt quan tâm. Thực hiện tốt được yêu cầu này sẽ tạo động lực, đưa kinh tế - xã hội của các địa phương và toàn vùng bứt phá sau đại dịch Covid-19, theo chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới ban hành trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng: vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đối diện nhiều thách thức lớn nằm ở ba phương diện: Kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể như: Nền nông nghiệp của vùng chậm hiện đại hóa, nguồn vốn đầu tư hạn chế; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; tình trạng di cư, sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ vùng lên các đô thị và khu công nghiệp ở vùng TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân của cả nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận khoa học công nghệ còn thấp; các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại…
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kỳ vọng, qua diễn đàn này sẽ góp phần tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế giúp khơi thông những “điểm nghẽn” tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn chia sẻ 1 dự án của tỉnh trong năm 2023.
Tiếp theo chương trình khai mạc, lãnh đạo mỗi tỉnh trong ABCD Mekong đã giới thiệu 1 dự án liên kết quan trọng nhất mà địa phương dự kiến thực hiện trong năm 2023. Trong đó, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn đã giới thiệu dự án: Bến Tre tăng cường kết nối liên kết vùng qua hoàn thiện hệ thống hạ tầng giữa Bến Tre và các tỉnh duyên hải phía Đông; phiên thảo luận chung, hỏi đáp giữa đại diện 5 tỉnh, thành và cử tọa “Làm thế nào để thực hiện được các hoạt động liên kết tích hợp và đem lại giá trị trong thực tiễn”.

Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trao chứng nhận Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho 12 doanh nghiệp.
Dịp này, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã trao chứng nhận Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho 12 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao lên 297 đơn vị.
Tin, ảnh: Cẩm Trúc