Khai thác các mỏ cát phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm

12/06/2024 - 10:55

BDK.VN - Thực hiện ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có Quyết định về phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản (KTKS) làm vật liệu xây dựng thông thường (cát lòng sông) trên địa bàn tỉnh năm 2024. Đến nay, đã hoàn thành việc lấy ý kiến của người dân ở các khu vực mỏ cát để triển khai các bước đấu giá.

Nguồn cung cát san lấp tại tỉnh còn khá hạn chế trong khi nhu cầu rất cao. Ảnh: Cẩm Trúc

Số khu vực đấu giá quyền KTKS cát lòng sông gồm 6 khu vực mỏ nằm trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, 3 khu vực mỏ đã có kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng năm 2018 và 3 khu vực mỏ trên sông Ba Lai chưa có kết quả thăm dò.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ngay sau khi Kế hoạch đấu giá quyền KTKS được phê duyệt, Sở đã khẩn trương triển khai phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành lấy ý kiến người dân nơi có khu vực khoáng sản đưa vào đấu giá năm 2024. Kết quả, mỏ cát Quới Sơn, trên sông Tiền thuộc xã Quới Sơn, huyện Châu Thành có 100% người dân tham dự đồng thuận. Tuy nhiên, yêu cầu phải xây dựng bờ kè trước khi đưa vào đấu giá khai thác. Đồng thời, phải ký cam kết bằng văn bản với các hộ dân dọc theo dự án về việc sạt lở và chính sách bồi thường, chịu trách nhiệm trong và sau khi khai thác. Các khu vực sông Ba Lai, như khu vực xã Phong Nẫm, xã Châu Hòa (Giồng Trôm), xã Châu Hưng, xã Thới Lai (Bình Đại), có 98% người dân tham dự đã đồng thuận.

Có một số vị trí tỷ lệ đồng thuận còn thấp như: Mỏ An Đức - An Hòa Tây trên sông Hàm Luông thuộc xã An Đức và xã An Hòa Tây (Ba Tri),  có 13% người dân tham dự đồng thuận. Khu vực sông Ba Lai xã Phong Nẫm (Giồng Trôm), xã Long Hòa (Bình Đại), có 68% người dân tham dự đồng thuận.

Người dân yêu cầu và đề nghị, UBND tỉnh xem xét trước khi đưa vào khai thác như khoảng cách khai thác tối thiểu đến bờ 200m, việc sạt lở hiện nay Nhà nước chưa có phương án xây kè, sạt lở trong và sau khi khai thác, chính sách đền bù, an sinh xã hội, sự cam kết của Nhà nước đối với người dân khi xảy ra sạt lở, chính sách hỗ trợ tái định cư, khảo sát lại các khu vực trước khi đưa vào đấu giá vì hiện nay sạt lở khá nhiều khu vực ở Giồng Trôm.

Để triển khai Kế hoạch đấu giá quyền khai thác kịp tiến độ, Sở TTN&MT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. Đối với các hộ dân chưa đồng thuận với chủ trương đưa các khu vực khoáng sản (cát sông) vào đấu giá quyền KTKS năm 2024, chỉ đạo UBND cấp huyện nơi có khu vực khoáng sản tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục để tạo được sự đồng thuận của người dân. Đối với UBND huyện Ba Tri, phải quan tâm lấy ý kiến người dân xã An Hòa Tây và An Đức, tuyên truyền, vận động, thuyết phục để tạo được sự đồng thuận của người dân tại 2 xã này.

Sở TN&MT phối hợp với UBND huyện Ba Tri, Bình Đại, Giồng Trôm khảo sát lại vị trí các khu vực trên sông Ba Lai. Sau khi được sự đồng thuận của người dân và ý kiến của các cơ quan liên quan theo quy định, Sở khẩn trương tham mưu ban hành quyết định phê duyệt giá khởi điểm, lựa chọn tổ chức đấu giá. Đẩy nhanh tiến độ, xem xét thực hiện đấu giá quyền KTKS trước đối với 3 mỏ đã có kết quả thăm dò (mỏ Quới Sơn, mỏ An Hòa Tây - An Đức, mỏ An Ngãi Tây - An Hiệp) nhằm kịp thời có nguồn vật liệu cung cấp cho các công trình trọng điểm.

Tại hội nghị sơ kết tình hình kinh tế - xã hội quý I-2024 của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết, cần tập trung khai thác các mỏ cát trên tinh thần công khai, minh bạch, rõ ràng, không để xảy ra sai phạm. Việc khai thác trữ lượng cát vừa phục vụ cho san lấp các công trình trọng điểm của tỉnh vừa cung cấp cho các dự án quốc gia. Đồng thời, tạo nguồn thu cho ngân sách. Đây là nguồn thu rất quan trọng. Qua đánh giá trữ lượng cát ở các mỏ, ước đạt trên 40 triệu m3.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN