Khai thác tiềm năng “mỏ dầu” xứ Dừa

28/01/2019 - 07:02

Dừa uống nước xiêm xanh được công nhận chỉ dẫn địa lý. Ảnh: C.Trúc

Dừa uống nước xiêm xanh được công nhận chỉ dẫn địa lý. Ảnh: C.Trúc

Nhớ dịp may mắn trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên lề Kỳ họp lần thứ 9 Quốc hội khóa VIII về cây dừa Bến Tre. Bác Võ Nguyên Giáp đã nói: Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước, qua chế biến sẽ có nhiều sản phẩm quý phục vụ cho xã hội, là “mỏ dầu” thực vật lộ thiên quý hiếm. Chúng ta quản lý, phát huy tác dụng giá trị từ dừa, hiệu quả càng cao, diện tích trồng dừa sẽ mở rộng, mỏ dầu thực vật ngày càng sung túc, thiết thực góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Tại thời điểm bấy giờ, Bến Tre có khoảng 47 ngàn héc-ta dừa. Một số cơ sở chế biến dầu thô, than thiêu kết, chỉ xơ dừa, kẹo dừa, mứt dừa, sản phẩm thô tiêu thụ bị ứ đọng. Lãnh đạo tỉnh phấn đấu khai thác thị trường để nhập thiết bị hiện đại như: thiết bị ETP ép dầu của Đức, thiết bị trích ly dầu của Ấn Độ, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thí điểm đầu tư xây cơ sở than hoạt tính (từ nguyên liệu than gáo dừa)... Đời sống kinh tế khó khăn, một số hộ dân trồng dừa đã đốn dừa chuyển sang trồng nhãn, cây có múi, rồi trở lại trồng dừa.

Năm 2018, theo số liệu của Sở Công Thương, toàn tỉnh có trên 71 ngàn héc-ta dừa, chiếm trên 42% tổng diện tích dừa cả nước, năng suất đạt khoảng 9 ngàn trái/héc-ta. Nguyên liệu dừa được sản xuất, chế biến hàng trăm sản phẩm có giá trị cao cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu như: các loại dầu dừa, nước uống đóng hộp, đóng lon, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, kẹo dừa, chỉ xơ dừa, mụn dừa, than thiêu kết, các hàng thủ công mỹ nghệ rất hấp dẫn.

Các cơ sở sản xuất dừa ba da, cơm dừa nạo sấy, mứt dừa, than thiêu kết, vỏ dừa, chỉ xơ dừa, đan lưới từ sợi dây dừa, đan giỏ cọng dừa, mụn dừa đóng kiện, các cơ sở cưa xẻ gỗ dừa, cơ sở mộc đóng bàn ghế từ gỗ dừa… ngày càng khởi sắc. Một số nhà máy chế biến dừa rất hiện đại như Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới thu hút dừa nguyên liệu sản xuất, chế biến ngày đêm ra các sản phẩm, tinh chế nước dừa uống đóng hộp, đóng lon, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột dừa, tinh chế các loại dầu dừa mỹ phẩm và tiêu dùng. Ông Trần Văn Đức - Công ty cổ phần Đầu tư chế biến dừa Bến Tre nhập thiết bị hiện đại, đang xây dựng nhà máy sản xuất từ nguyên liệu dừa, sẽ tiêu thụ lượng dừa khá lớn.

Các sản phẩm từ dừa được xuất khẩu năm 2017 ước khoảng 180 triệu USD, chiếm 21,43% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Chuỗi giá trị dừa ở tỉnh đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Thực trạng nông dân trồng dừa vẫn bị thiệt thòi vì sản xuất ra chỉ bán trái dừa, thu nhập rất thấp (dừa rớt giá như hiện nay khoảng 20 - 30 ngàn đồng/chục - 12 trái), những vườn dừa có hợp đồng với các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm bán với giá cao hơn, 50 - 60 ngàn đồng/chục. Người dân trồng dừa cần suy nghĩ thay đổi cách sản xuất riêng lẻ lạc hậu. Cần phát huy chuỗi giá trị của cây dừa qua hình thức hợp đồng với các nhà máy sản xuất, chế biến hiện đại hoặc các hình thức hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ và phấn đấu tham gia (đồng vốn - tài sản đất đai) xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm, tăng giá trị, tăng thu nhập cho người trồng dừa, kinh tế đời sống nâng lên.

“Dừa là mỏ dầu lộ thiên, có kế hoạch khai thác, đầu tư bồi dưỡng, mỏ dầu ngày càng sung túc…”. Nhiều năm trôi qua đã minh chứng rõ nét nhận định của bác Giáp về tiềm năng kinh tế dừa Bến Tre vẫn còn nguyên giá trị.

Trịnh Mai Sơn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN