Đoàn khảo sát sạt lở tại bờ sông xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre. Ảnh: H. Lam
Qua khảo sát cho thấy, tình trạng sạt lở đã gần đến đường An Dương Vương, có những vị trí bờ sông chỉ còn cách tuyến đường khoảng 4m. Mặt đường xuất hiện vết nứt theo chiều dọc. Tại khu vực sạt lở, UBND xã đã cắm biển cảnh báo sạt lở và vận động người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở. Đặc biệt, có 2 hộ dân nằm trong vùng bị sạt lở nghiêm trọng, đó là hộ bà Hồ Thị Phương, số nhà 154D, Ấp 4, diện tích bị thiệt hại 400m2; hộ ông Võ Văn Đồng, nhà số 152D, Ấp 4, diện tích bị thiệt hại 400m2, cả hai hộ đều bị sạt lở diện tích đất phía sau nhà. Hiện 2 hộ này đang thực hiện việc gia cố tại chỗ để ổn định nơi ở vì cả hai đều có hoàn cảnh khó khăn, một gia đình thương binh và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Thạnh Đặng Thanh Tùng cho biết: “UBND xã, các ngành đoàn thể đã tích cực phát huy phương châm “4 tại chỗ” hỗ trợ hộ dân sơ tán, di dời nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các hộ dân trong hành lang sạt lở có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có điều kiện di dời đến nơi an toàn”.
Để đảm bảo tài sản và tính mạng của các hộ dân vùng bị sạt lở (18 hộ), UBND xã Nhơn Thạnh đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh và thành phố có phương án cừ kè gia cố đoạn sạt lở trong thời gian sớm nhất để đảm bảo an toàn cho các hộ dân chưa có điều kiện di dời, hạn chế gây hư hỏng nặng tuyến lộ chính của xã. Đồng thời, xã cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ các hộ dân vùng sạt lở.
Về nội dung này, ngày 2-7-2021, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Võ Tiến Sỹ có công văn đề nghị địa phương phổ biến hướng dẫn việc di dời đến nơi an toàn của hộ dân bị sạt lở bờ sông, thông qua Hội đồng bình xét cấp xã, thị trấn, số hộ dân đủ các điều kiện theo quy định sẽ được Nhà nước hỗ trợ số tiền 20 triệu đồng/hộ. Trường hợp gia cố tại chỗ Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ.
Theo đoàn khảo sát của UBND TP. Bến Tre, nguyên nhân sạt lở là do đoạn sạt lở nằm ở vị trí ngã ba dòng nước xoáy là sông Bến Tre và kênh Chẹt Sậy. Dự báo thời gian tới, tại các vị trí bờ sông giáp tuyến đường An Dương Vương hiện trạng mặt đường nhựa có dấu hiệu nứt do sạt lở bờ sông. Các rọ đá chỉ chịu lực tạm thời, khả năng chịu lực xoáy của dòng nước trong thời gian tới sẽ không đảm bảo, nguy cơ sạt lở đoạn này là rất cao. Tại các vị trí bờ sông giáp đất, nhà ở của hộ dân thì tình trạng sạt lở sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân các hộ trong khu vực này.
Chủ tịch UBND TP. Bến Tre Huỳnh Vĩnh Khánh cho biết, hiện tại khả năng cân đối vốn để đầu tư xây dựng công trình của TP. Bến Tre còn nhiều hạn chế, trong khi suất đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở là rất lớn. UBND TP. Bến Tre cũng đã báo cáo với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trình UBND tỉnh chủ trương đầu tư khẩn cấp xây dựng công trình chống sạt lở bờ sông Bến Tre, khu vực Nhơn Thạnh. Trong đó, xây dựng tuyến kè đảm bảo chống sạt lở bờ sông Bến Tre nhằm đảm bảo ổn định bờ sông, ổn định nhà cửa hộ dân, công trình hạ tầng, giao thông khu vực và cuộc sống của các hộ dân trong vùng. Xây dựng tuyến kè giúp thành phố chỉnh trang đô thị, tạo mỹ quan khu vực TP. Bến Tre, góp phần thu hút khách du lịch đến địa phương, phát triển ngành kinh tế du lịch của tỉnh. Vị trí kè chống sạt lở bờ sông Bến Tre, đoạn từ vị trí tiếp giáp kè đã xây dựng kéo dài đến ngã ba kênh Chẹt Sậy, khu vực Ấp 4, xã Nhơn Thạnh với chiều dài khoảng 1.046m.
Hoàng Lam