Khẩn trương các phương án cung ứng hàng hóa

14/07/2021 - 06:44

BDK - Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương, sở, ngành, các đơn vị đầu mối cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh xây dựng kịch bản cung ứng theo các cấp độ. Trong đó, có tính đến giải pháp cung ứng trong trường hợp các địa phương thực hiện Chỉ thị số 15 hoặc 16 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Người dân mua hàng hóa thực phẩm.

Người dân mua hàng hóa thực phẩm.

Cung ứng hàng hóa tại các “điểm nóng”

Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ba Tri Nguyễn Xuân Vinh cho biết: Người dân trên địa bàn huyện có tâm lý hoang mang, mua hàng dự trữ. Đặc biệt là các mặt hàng rau, củ, quả. Giải pháp của huyện là triển khai kế hoạch cung ứng hàng hóa theo kịch bản, nhất là khi địa bàn huyện phải thực hiện Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện với vai trò tham mưu sẽ thực hiện điều phối hàng hóa, xây dựng đầu mối để tạo liên kết giữa huyện, tỉnh và các đơn vị cung ứng.  

Ngoài ra, huyện vận động mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho vùng cách ly theo Chỉ thị số 16. “Ba Tri là một trong các “điểm nóng” của tỉnh về dịch bệnh nên cần sự quan tâm của tỉnh và các đơn vị cung ứng trên địa bàn, nhất là Bách hóa xanh”, ông Nguyễn Xuân Vinh cho hay.

Thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Đại, tuần qua có tình hình người dân tại xã Bình Thới đi mua lương thực, thực phẩm tăng, chủ yếu là mì tôm, gạo, sữa tươi. Khảo sát cho thấy, các mặt hàng như: mì tôm, sữa tươi đã hết hàng. Sau đó, các cửa hàng Bách hóa xanh trên địa bàn huyện đã điều tiết hàng trở lại để đảm bảo cung ứng ổn định cho người dân xã Bình Thới và thị trấn Bình Đại. Ngoài ra, các cửa hàng, đại lý có cam kết tuân thủ ổn định giá cả hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, người dân hoang mang. 

Đến nay, tình hình mua hàng dự trữ trong dân có tăng nhưng giá cả nhìn chung tương đối ổn định. Một số mặt hàng như bầu, bí tăng từ 40 - 70%, do nguồn hàng cung cấp sản phẩm này chủ yếu từ Đà Lạt giảm. Trên địa bàn huyện đảm bảo cung ứng gạo cho người dân. Đến giờ này, huyện có 2 vựa gạo từ 40 - 50 tấn. Giải pháp sắp tới, đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân an tâm. Huyện cũng kiến nghị khi huyện áp dụng thực hiện Chỉ thị số 16, đề nghị Sở Giao thông vận tải có giải pháp tạo điều kiện chuyển hàng hóa đến Bình Đại. Được biết, đến ngày 15-7-2021, 5 cửa hàng Bách hóa xanh sẽ triển khai thêm hình thức kinh doanh online, đặt hàng qua điện thoại…

Cam kết ổn định nguồn hàng, giá cả

Các đơn vị cung ứng hàng hóa lớn của tỉnh cho biết, đủ năng lực đảm bảo các mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng. Anh Nguyễn Thanh Hải - đại diện Bách hóa xanh cho biết, hệ thống cửa hàng Bách hóa xanh toàn tỉnh hiện có 55 cửa hàng, trong đó Bình Đại 5, Ba Tri 9, Thạnh Phú 12. “Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bách hóa xanh vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng cho người dân địa phương với giá cả hàng hóa ổn định. Người dân có thể ở nhà đặt hàng qua web “Bachhoaxanh.com”, qua số điện thoại cửa hàng, hệ thống sẽ ghi nhận và chuyển đơn hàng đến tận nơi”, đại diện Bách hóa xanh khẳng định. 

Ông Nguyễn Minh Hoàng - đại diện Công ty Lương thực Bến Tre cho rằng, công ty đã xây dựng kịch bản cung ứng gạo cho các địa phương. Nếu diễn biến xảy ra theo kịch bản ở các cấp độ, nguồn gạo dự trữ cho địa phương 80 tấn gạo. Cụ thể, trong trường hợp giãn cách, kho tại Mỹ Chánh (Ba Tri) sẽ cung ứng cho Ba Tri và Giồng Trôm. Kho chợ Thom sẽ cung cấp cho khu vực Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và Thạnh Phú. Cửa hàng tại TP. Bến Tre sẽ cung ứng cho TP. Bến Tre, Châu Thành và Bình Đại.

Về lâu dài, Công ty Lương thực tỉnh cho biết, đơn vị không đủ năng lực dự trữ lên đến 1 ngàn tấn theo khuyến cáo của Sở Công Thương. Về vấn đề này, Sở Tài chính cho biết, Công ty Lương thực tỉnh có văn bản gửi đến sở để xem xét và có giải pháp hỗ trợ công tác dự trữ nguồn hàng, nhằm đảm bảo đủ cung ứng lương thực cho người dân địa phương.

Ông Võ Thanh Hà - đại diện Co.opmart Bến Tre khẳng định, đơn vị triển khai nhiều hình thức cung ứng hàng hóa, trong đó tính đến cung ứng trong điều kiện địa phương áp dụng Chỉ thị số 15 hoặc 16. Cụ thể, người dân có thể đặt hàng qua điện thoại, qua Website, Email, Zalo, ứng dụng Cop.opmart… Trường hợp khách hàng đến siêu thị, nhân viên sẽ tổ chức hỗ trợ khách hàng giữ khoảng cách, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Khách hàng chỉ cần ngồi chọn hàng và chờ tại ghế (có giữ khoảng cách) và nhân viên sẽ tự lấy hàng giao cho khách. Đại diện Co.opmart cũng đề nghị, y tế địa phương có giải pháp hỗ trợ siêu thị xử lý khử khuẩn ngay trong trường hợp siêu thị có trường hợp khách hàng nhiễm Covid-19.

“Thời gian qua, mặt hàng ảnh hưởng nhiều nhất là rau, củ, quả, giá cả có tăng từ 30 - 100%. Các mặt hàng khác hầu hết ổn định như mì, gạo, sữa. Quản lý thị trường sẽ quản lý chặt chẽ tình hình diễn biến thị trường và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý, găm hàng, tạo khan hiếm, sốt hàng, sốt giá”, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu đề nghị, đối với các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích đã tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng và giá cả bình ổn. Riêng các chợ truyền thống cũng phải thực hiện nghiêm quy định “5K” và giữ ổn định giá cả hàng hóa, tránh lợi dụng cơ hội này để tăng giá bất hợp lý.

“Do tình hình dịch bệnh, việc lưu thông hàng hóa sẽ rất khó khăn, đề nghị Sở Giao thông vận tải có kế hoạch, giải pháp vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, vừa an toàn công tác phòng chống dịch. Phòng Quản lý thương mại phối hợp với các địa phương thường xuyên nắm bắt thông tin kịp thời những diễn biến bất thường để phối hợp xử lý”, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu lưu ý thêm.

“Các địa phương có kế hoạch hết sức cụ thể về cung ứng hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch, nhất là các huyện, xã nằm trong vùng thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, không hoang mang, mua hàng tích trữ hoặc các hộ kinh doanh không được lợi dụng cơ hội để đầu cơ, nâng giá kiếm lợi bất chính”.

(Giám đốc sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích