 |
Cống xã Tân Xuân (Ba Tri) sẵn sàng ngăn mặn. Ảnh: Hữu Hiệp |
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bến Tre, năm 2013, khu vực Bến Tre sẽ bị mặn xâm nhập sớm hơn năm 2012 và thời gian cũng kéo dài hơn.
Từ tháng 2 đến giữa đầu tháng 5 có khả năng gió chướng sẽ hoạt động mạnh liên tục trong nhiều ngày, kết hợp với biển Đông đang vào thời kỳ triều cường và lưu lượng nước trên các sông chính bị thiếu hụt. Mặn 4‰ có khả năng xâm nhập sâu từ 50km đến 55km tính từ cửa sông, mặn 1‰ hầu như xâm nhập toàn bộ địa bàn tỉnh.
Thực hiện việc triển khai công tác phòng, chống thiếu nước và hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất vụ Đông - Xuân năm 2012-2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) lập kế hoạch phòng, chống thiếu nước và hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất năm 2013, với các nội dung chủ yếu như sau: kết hợp cùng UBND các huyện, thành phố và các ban ngành có liên quan chủ động thực hiện tích cực các giải pháp công trình và phi công trình nhằm ngăn mặn, trữ ngọt. Tuy nhiên, do một số hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa được khép kín, thiếu đồng bộ, nên việc ngăn mặn, trữ ngọt, chống ngập úng ở một số khu vực còn khó khăn, cần có các giải pháp khắc phục. Cụ thể đối với hệ thống trục dẫn Cây Da, hệ thống đã khép kín và tương đối hoàn chỉnh, nên khu vực này chỉ ảnh hưởng mặn trong thời gian ngắn vào cuối mùa khô. Nguồn nước cung cấp chủ yếu lấy từ sông Giồng Trôm qua cống đầu mối Cây Da, tiêu nước qua các cống cuối nguồn, như: cống Hai Cửa, cống Cầu Vỉ, cống Giồng Quý và một phần xổ qua cống Láng Sen 1, cống An Bình Tây, qua hệ thống Cầu Sập ra sông Hàm Luông. Đối với hệ thống Châu Bình - Vàm Hồ, ngành thường xuyên đo mặn tại các cống K20, Nhà Thờ, Vàm Hồ, Rạch Điều nhằm tăng cường lấy nước ngọt từ sông Ba Lai cung cấp nước tưới cho nội đồng. Hệ thống thủy lợi Cầu Sập, nguồn nước tưới duy nhất là từ sông Giồng Trôm - Hương Điểm hiện nay chưa xây dựng cống đầu mối để trữ và tưới nước, nên mặn có thể xâm nhập sâu vào nội đồng từ sông Hàm Luông và sông Tiền. Các cống Cái Mít, Sơn Đốc, Xẻo Sâu, Cái Bông, Mương Đào có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt. Do hệ thống Cầu Sập chưa được xây dựng hoàn chỉnh, mặn xâm nhập vào nội đồng chủ yếu qua rạch Thủ Cửu, vì vậy cần vận động nhân dân đắp bờ bao cục bộ và đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt trong mương vườn,… Tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng, thu dọn nò vó và cỏ rác, tạo thông thoáng dòng chảy. Đối với khu vực Đồng Gò - Bần Quỳ - Châu Phú, nên theo dõi độ mặn phía ngoài các cống 30 Tháng 4, Bần Quỳ, Châu Phú, Đầm Hồ và Cái Ngang, nếu độ mặn lớn hơn 1%o sẽ đóng cửa cống, bảo đảm ngăn mặn. Khu vực Mỏ Cày Bắc - Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú có nhiều công trình lớn, tương đối hoàn chỉnh về đầu mối và tạo nguồn, nhưng do hệ thống thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh nên vào mùa khô có thể xảy ra hạn cục bộ ở vài nơi. Khu vực này có hai trục dẫn ngọt chính: Trục Cái Quao - Chín Thước - Cầu Đúc - Cổ Rạng: Hiện nay các cống ven sông Hàm Luông, như: Tân Hương, Cầu Tàu, Bà Hạp, Xẻo Vườn, Tám Dốc, Cổ Rạng vẫn bảo đảm vận hành tốt và sẵn sàng ngăn mặn khi cần thiết. Các địa phương thường xuyên đo mặn kết hợp phân bốù lịch đóng mở cửa cống cho phù hợp, tùy theo tình hình thực tế, bảo đảm phục vụ đủ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; tôn cao các đoạn đê còn thấp và gia cố những đoạn bị sạt lở hoặc chưa kịp khép kín...