
Lao động chuyên thu hoạch và vận chuyển nông sản vất vả tìm công việc trong thời gian giãn cách xã hội.
Hỗ trợ lao động tự do
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đã ký ban hành Quyết định số 25 về quy định hỗ trợ NLĐ không có giao kết HĐLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Quyết định này quy định về đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, mức hỗ trợ, phương thức và thời gian hỗ trợ cho NLĐ không có giao kết HĐLĐ (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
NLĐ tự làm hoặc làm thuê thuộc 10 nhóm công việc, lĩnh vực được hỗ trợ, gồm: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; làm công việc thu gom rác, phế liệu; làm công việc bốc vác, vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng (tại các chợ, bến tàu, bến sông, bến xe, bến cảng, nhà kho); làm thuê thợ hồ, phụ hồ; làm thuê trong các lĩnh vực hàn, tiện, sơn, mộc, sửa xe; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách, xe ngựa chở khách.
Người tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả tạp vụ và bảo vệ). Trường hợp có từ 2 người trở lên tự làm tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe không đủ điều kiện được hỗ trợ theo chính sách đối với hộ kinh doanh, theo quy định tại khoản 10 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP thì chỉ 1 người đại diện hộ kinh doanh được hỗ trợ.
Người làm thuê trong cơ sở làm đẹp (thẩm mỹ, cắt tóc, uốn tóc, nail, spa và làm đẹp khác); người làm phục vụ trong quán bar, vũ trường, karaoke, câu lạc bộ bida, các tụ điểm hát với nhau nghe, rạp chiếu phim, rạp hát, câu lạc bộ khiêu vũ, các điểm truy cập Internet và trò chơi điện tử, khu vui chơi; phục vụ tại các cơ sở tập luyện thể dục thể thao như thể dục thẩm mỹ, aerobic, phòng tập gym, hồ bơi, yoga, võ thuật (huấn luyện viên, người hướng dẫn, phục vụ); lao động giúp việc gia đình; lao động trong các cơ sở giáo dục (tiểu học, mầm non, nhóm trẻ).
Theo quyết định này, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần và chỉ hỗ trợ 1 lần cho NLĐ. Thời gian từ ngày 1-5 đến 31-12-2021. Kinh phí thực hiện từ nguồn dự phòng ngân sách 2 cấp (huyện, xã) và nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện hỗ trợ. Trường hợp địa phương không đủ nguồn kinh phí thì đề nghị ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ hoặc từ nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác.
Tiến độ hỗ trợ
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ ngày 2 đến 8-8-2021, các chính sách như: hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách hỗ trợ NLĐ chấm dứt HĐLĐ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đều chưa có hồ sơ phát sinh.
Đối với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã thực hiện xong việc rà soát và thông báo cho 1.389 đơn vị sử dụng lao động về việc giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với 62.800 lao động, tổng số tiền tạm tính giảm trong 12 tháng (từ 1-7-2021 đến 30-6-2022) khoảng 20,1 tỷ đồng để NSDLĐ hỗ trợ cho NLĐ trong phòng chống đại dịch Covid-19.
Chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc, có 7 đơn vị nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ (có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội), với số lao động 607 người, số tiền đề ghị hỗ trợ 607 triệu đồng (1 triệu đồng/người). Đã chi 2 đơn vị, với 3 lao động, số tiền 3 triệu đồng, trong đó chi bổ sung thêm cho 1 lao động đang nuôi con nhỏ chưa đủ 6 tuổi, số tiền 1 triệu đồng; tổng cộng số tiền đã chi hỗ trợ 4 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ tiền ăn cho người điều trị Covid-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trẻ em. Tổng số F0, F1 đề nghị hỗ trợ là 4.013 người, trong đó F0 là 832 người (65 trẻ em); F1 là 3.181 người (142 trẻ em), số tiền đề nghị hỗ trợ 8,5 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, với tổng số hộ kinh doanh được đề nghị hỗ trợ 1.112 hộ, số tiền hỗ trợ 3,3 tỷ đồng. Trong đó, huyện Ba Tri 934 hộ, số tiền 2,8 tỷ đồng; huyện Mỏ Cày Bắc 161 hộ, số tiền 483 triệu đồng; huyện Giồng Trôm 17 hộ, số tiền 51 triệu đồng.
Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã hướng dẫn thủ tục hồ sơ đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh cho 2 đơn vị ở TP. Bến Tre, gồm: Công ty cổ phần Du lịch Bến Tre (TTC) và Công ty TNHH Du lịch Hàm Luông.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, khó khăn hiện nay là do tỉnh còn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên có một số chính sách hỗ trợ chưa thể thực hiện ngay được.
Các điều kiện để được hỗ trợ là NLĐ bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền của địa phương để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, trong thời gian từ ngày 1-5 đến 31-12-2021. Bị mất thu nhập hoặc có thu nhập nhưng mức thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo (theo quy định tại Nghị định số 07/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27-1-2021, quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025) trong thời gian bị mất việc làm. Cụ thể, đối với khu vực nông thôn thấp hơn 1,5 triệu đồng/tháng; đối với khu vực thành thị thấp hơn 2 triệu đồng/tháng. Đồng thời, NLĐ có cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Cư trú. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo