Khi phỏng vấn xin việc, nêu dẫn chứng thế nào cho hợp lý?

04/05/2022 - 15:03

BDK.VN - “Dẫn chứng” chính là phương tiện giúp bạn truyền đạt đầy đủ, rõ ràng và cụ thể nhất những điều muốn nói đến nhà tuyển dụng khi phỏng vấn việc làm. Dẫn chứng có thể là tình huống, số liệu, tình huống, sản phẩm hay các dự án đã thực hiện để bổ trợ cho các luận điểm của bạn trong câu trả lời được rõ ràng và thuyết phục nhất.

Vậy ứng viên cần lấy dẫn chứng như thế nào để tăng hiệu quả ghi điểm với các nhà tuyển dụng ở Bắc Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác? Dưới đây là câu trả lời dành cho bạn.

Dẫn chứng cụ thể, trung thực, rõ ràng

Bản chất của dẫn chứng là đưa ra cơ sở bổ sung để khẳng định cho lập luận của mình là đúng. Chính vì vậy nguyên tắc quan trọng cần phải nhớ khi lấy dẫn chứng đó là đảm bảo tính chính xác, có thực.

Với một số ít ứng viên, vì muốn được ghi điểm tốt với nhà tuyển dụng nên lấy dẫn chứng không đúng với sự thật như thổi phồng thành tích, chức vụ ở công ty cũ. Đây là một sai lầm mà người vi phạm nghĩ rằng sẽ không ai biết. Chẳng hạn khi dẫn chứng về kỹ năng quản lí, lãnh đạo, ứng viên tự tin kể về việc mình đã từng làm quản lý nhóm gồm 10 người. Trong khi thực tế chỉ là nhân viên bình thường nhưng đóng vai trò như trợ lí thêm cho trưởng nhóm mà thôi. Tuy nhiên thực tế là nhà tuyển dụng - những người rành nghề sẽ có cách riêng để kiểm tra tính chính xác của thông tin. Và bạn sẽ bị đánh rớt hiển nhiên nếu đưa dẫn chứng sai.

Khi tham dự một cuộc phỏng vấn, ứng viên nên nắm rõ nguyên tắc này để biết cách lấy dẫn chứng khéo léo và trung thực nhất. Không nên vì để được đánh giá cao bản thân mà bịa ra những tình huống chưa trải qua hay những điều mà bản thân mình chưa đạt được.

Dẫn chứng sát với tính chất công việc thực tế

Khi ứng tuyển vào bất kì một đơn vị nào đó, chắc chắn bạn đã tìm hiểu tính chất công việc, đặc thù và cả việc phải dùng đến kỹ năng hoặc phẩm chất yêu cầu cần có ở ứng viên. Khi đối diện với nhà tuyển dụng, đó chính là những thông tin bổ ích giúp bạn có cơ sở để lấy dẫn chứng sao cho phù hợp sát sao với vị trí tuyển dụng.

Chẳng hạn nếu bạn ứng tuyển vị trí nhân viên thị trường, tính chất công việc hay di chuyển từ vùng này qua vùng khác, giữa các cửa hàng, chi nhánh… thì cần phải lấy dẫn chứng mình là người năng động, thích đi đây đó và sẵn sàng di chuyển linh hoạt. Nếu bạn ứng tuyển vị trí chăm sóc khách hàng thì bạn nên lấy dẫn chứng về việc bạn đã hiểu khách hàng và giao tiếp khéo léo, đánh trúng tâm lí để khách hàng hài lòng về thái độ làm việc của bạn cũng như chất lượng sản phẩm như thế nào.

Dẫn chứng có lợi cho bạn nhưng không ảnh hưởng đến người khác

Với các doanh nghiệp có tầm cỡ, những người trực tiếp phỏng vấn ứng viên là người thông minh, khéo léo, có kinh nghiệm nhìn người và đặc biệt là họ rất tinh tế. Trong từng chia sẻ của bạn, bên cạnh việc truyền đạt nội dung câu trả lời, họ còn ngầm xem xét và đánh giá phẩm chất của bạn và nhận định liệu bạn có phải là một người phù hợp cho giá trị văn hóa doanh nghiệp của họ hay không.

Do đó, bạn cần lưu ý cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói khi đề cập đến các dẫn chứng trong câu trả lời của mình. Tuyệt đối không nên vì để tạo ấn tượng và nâng thương hiệu bản thân mình mà làm ảnh hưởng đến danh dự, danh tiếng của người khác. Đó có thể là đối tác, khách hàng, sếp cũ, hay đồng nghiệp cũ…

Chẳng hạn, khi bạn chia sẻ về dẫn chứng rằng mình là người có năng lực trong đội nhóm, thay vì nói “Người quản lí nhóm tôi thiếu nhạy bén và quyết đoán nên có những lúc tôi phải đứng ra giải quyết một số vấn đề chủ chốt và cấp bách, chẳng hạn như ở dự án X vừa rồi, tôi chính là người đã lên kế hoạch và giải quyết vấn đề Y khi đối tác trễ hạn…” Bạn có thể chia sẻ: “Sếp cũ tôi là một người rất biết coi trọng người có năng lực. Trong dự án X vừa rồi, anh ấy đã tham khảo ý kiến của tôi và mong muốn tôi giúp anh ấy ra các quyết định quan trọng…”

Nên đề cập số liệu kèm theo hoặc giấy tờ, sản phẩm minh chứng (nếu có)

Điều này là tất nhiên, sẽ là một lợi thế lớn nếu như trong cuộc phỏng vấn bạn mang theo những sản phẩm của mình đã thực hiện thành công “làm chứng cứ” cụ thể nhất trình làng đến nhà tuyển dụng. Đó có thể là bằng khen nhân viên xuất sắc ở công ty cũ, bảng ghi nhận năng lực cống hiến, bản kế hoạch của một dự án đã thành công suất sắc…

Bên cạnh đó bạn có thể chia sẻ các số liệu rõ ràng trong các luận điểm mình trình bày đảm bảo sẽ tăng tính thuyết phục. Chẳng hạn khi bạn muốn dẫn chứng cho việc mình đã đạt doanh số tốt qua từng kì như thế nào khi đảm nhận vị trí này ở công ty cũ, tốt nhất bạn nên nêu rõ ra số liệu lí tưởng nhất mà mình đã đạt được qua các kì và so sánh chúng với nhau.

Nhà tuyển dụng sẽ không tin và không bị thuyết phục bởi những ứng viên chỉ ngồi nói suông hoặc đưa ra dẫn chứng chung chung, thiếu rõ ràng, cụ thể. Là một người thông minh, bạn nên biết chọn lọc dẫn chứng và đảm bảo các yếu tố về tính trung thực, phù hợp với công việc và trình bày nó với một phong thái tự tin, cởi mở. Hy vọng bạn sẽ đủ khéo léo và tinh tế để chinh phục cả những nhà tuyển dụng khó tính.

Hảo Đặng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích